Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương còn có Lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Công Thương địa phương, Cục Quản lý thị trường, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn…

Về phía Đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa; Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Trần Đình Văn; Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phùng Khắc Đồng; Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Hải.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương vui mừng được đón tiếp Đoàn công tác của Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Bộ trưởng nhấn mạnh, Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, ngành nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi rất hứa hẹn. Từ trước đến nay, tỉnh Lâm Đồng và Bộ Công Thương có quan hệ hợp tác chặt chẽ. Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng 8 tháng đầu năm với những con số ấn tượng (tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,5% so với cùng kỳ, sản xuất nông nghiệp tiếp tục dẫn đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển ổn định…).

Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc triển khai quyết liệt của Tỉnh trong sử dụng xăng E5, bám rất sát lộ trình đề ra: từ 01/01/2018 thay thế hoàn toàn xăng khoáng Ron 92 bằng xăng sinh học E5, đặc biệt là chủ trương: toàn bộ xe công trên địa bàn tỉnh sử dụng hoàn toàn xăng E5. Bộ trưởng ghi nhận những kiến nghị của Lãnh đạo Tỉnh liên quan đến xăng E5 và chỉ đạo Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước giải đáp các vấn đề mà Lãnh đạo tỉnh quan tâm đến xăng E5.

Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Lâm Đồng nên quan tâm, chú trọng hơn phát triển thương mại điện tử và kinh tế số vì đây là hướng đi tất yếu của các địa phương trong bối cảnh phát triển và hội nhập như hiện nay, đặc biệt Lâm Đồng lại là địa phương phát triển mạnh về du lịch. Bộ trưởng lưu ý Lâm Đồng nên xây dựng chiến lược phát triển, tập trung bài bản hơn, có định hướng phát triển lâu dài đối với vấn đề xây dựng thương hiệu của Tỉnh, của doanh nghiệp, của sản phẩm…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến

Chia sẻ tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho biết, trên địa bàn Tỉnh có rất nhiều sự hiện diện của các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty cũng như các lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý. Lãnh đạo Tỉnh rất vui vì luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm của Bộ Công Thương dành cho Tỉnh, do đó, với các công trình, dự án của Bộ, Tỉnh luôn thu xếp tạo điều kiện, đồng thời phối hợp với các đơn vị không dể xảy ra sự cố gì về môi trường.

Lâm Đồng không phải là tỉnh có lợi thế về công nghiệp, thời gian qua lại chủ yếu phát triển nông nghiệp và du lịch, song về lâu dài, Lãnh đạo Tỉnh nhìn nhận không thể không đầu tư phát triển công nghiệp. Lãnh đạo Tỉnh xác định, cái gì là lợi thế thì phát triển trước, cái gì không có lợi thế mà quan trọng thì phát triển sau nhưng có chọn lọc.

Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa

Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa cho biết thêm, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 6.000 doanh nghiệp (chủ yếu lĩnh vực du lịch thương mại, nông nghiệp, công nghiệp chế biến…). Đến năm 2020, dự kiến Tỉnh sẽ đạt đến con số 11.000 doanh nghiệp trên địa bàn, cho thấy đây là mảnh đất nhiều tiềm năng khởi nghiệp.

Về thương mại, hầu hết sản phẩm chủ lực của tỉnh là nông sản. Các sản phẩm này đạt chất lượng tốt với xu hướng là sản phẩm hữu cơ, cung ứng cho hầu khắp các tỉnh phía Nam. Nhiều tỉnh phía Bắc đã nhập hàng. Tỉnh Lâm Đồng rất mong nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của Bộ Công Thương trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản.

Theo ông Phan Văn Đa, xét về dung lượng thị trường, Lâm Đồng là tỉnh nhỏ, thương mại điện tử chưa phát triển được như mong muốn. Tuy nhiên, để theo kịp xu thế, Lãnh đạo Tỉnh cũng đã quan tâm, đầu tư. Thời gian tới, Tỉnh đang có Đề án xây dựng Thành phố Đà Lạt là Thành phố thông minh (Smart City) trong đó có phát triển mạnh về thương mại điện tử, giúp quá trình giao dịch, kinh doanh được đẩy mạnh, phát triển nhanh. Bên cạnh đẩy mạnh thương mại điện tử thì Thành phố thông minh – Đà Lạt còn đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, nông nghiệp thông minh, quy hoạch quản lý đô thị…

Về lĩnh vực điện, Lãnh đạo và người dân tỉnh Lâm Đồng bày tỏ niềm vui và cảm ơn Bộ Công Thương cũng như EVN tạo điều kiện để 7 thôn của Tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn, địa hình chia cắt có điện trước Tết Nguyên đán, đem lại niềm vui rất lớn cho bà con.

Đối với Dự án Tổ hợp Bô-xít – Nhôm Lâm Đồng, Lãnh đạo tỉnh luôn đề cao việc bảo vệ môi trường. Thời gian qua, một số đơn khiếu nại của người dân về môi trường đã được Tập đoàn TKV và địa phương giải quyết thỏa đáng, không có vấn đề gì lớn xảy ra.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam Đặng Thanh Hải

Riêng về Dự án Tổ hợp này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam Đặng Thanh Hải đề xuất ý kiến muốn mở rộng, đầu tư sâu vào Nhà máy Nhôm Lâm Đồng, để Nhà máy xứng tầm thế giới. Theo Tổng Giám đốc, sau 4 năm, những phản biện của dư luận về Dự án này đã được giải quyết khá thấu đáo. Năm 2016, Nhà máy nộp ngân sách hơn 2000 tỷ. Thu nhập của người lao động tại đây năm sau cao hơn năm trước (nay là 8 triệu/tháng). Thời gian qua, có một số sự cố nhỏ xảy ra trong hoạt động của Nhà máy nhưng đã được xử lý. Vấn đề môi trường của Dự án luôn thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Bộ, Tỉnh cũng như sự giám sát chặt chẽ của người dân.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng chúc mừng những kết quả đạt được của tỉnh Lâm Đồng thời gian qua và hứa sẽ tiếp thu các kiến nghị của Lãnh đạo tỉnh, sát sao chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ có những nghiên cứu và triển khai một cách cụ thể.

Về các kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện. Bộ trưởng chỉ đạo Cục Công nghiệp rà soát lại các quy hoạch công nghiệp trong bối cảnh mới, lưu ý đến tình hình thực tế tại địa phương. Bộ trưởng cũng giao Cục Công nghiệp chỉ đạo bộ phận vốn của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) làm việc với địa phương sớm (trong tháng 9 phải thực hiện) để triển khai đầu tư Dự án Nhà máy Bia tại Lâm Đồng.

Về thương mại, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số… làm việc với Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng để rà soát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm nông sản tại địa phương; các vấn đề liên quan đến hình thành chuỗi trong chế biến, sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, kinh doanh trực tuyến…; Các đơn vị này cũng cần phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng và phát triển thị trường, hướng vào các thị trường trọng điểm đang có mối quan hệ tốt, các thị trường mới; Lưu ý đến vai trò doanh nghiệp để triển khai các kế hoạch cho hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn; Mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ của một số sản phẩm uy tín tại thị trường trong nước, tạo dòng chảy lưu thông trong nước, rồi từ đó mới lan ra thị trường nước ngoài.

Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, Bộ trưởng đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phải báo cáo Lãnh đạo Bộ kế hoạch cụ thể việc tham gia hỗ trợ địa phương như thế nào nhằm phát triển một cách cơ bản, toàn diện lĩnh vực thương mại điện tử tại Lâm Đồng trong thời gian tới.

Nguồn: Hồng Hạnh/Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương