Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, lễ ký Hiệp định thương mại tự do giữa VN và Liên minh kinh tế Á - Âu diễn ra hôm qua 29-5, tại Kazakhstan.
“Hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp VN có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ của 5 quốc gia gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan với 180 triệu dân, quy mô GDP trên 2.500 tỉ USD. Doanh nghiệp VN sẽ được hưởng nhiều điều kiện ưu đãi, thuận lợi hóa về hải quan, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư” - ông Viktor Khristenko nhấn mạnh.
Phát biểu với báo giới ngay sau lễ ký, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân sẽ là một điểm đến mới cho hàng hóa các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng sau khi hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực, hàng hóa có thế mạnh của VN sẽ thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu, góp phần làm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người dân các nước thành viên của liên minh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định VN hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ Liên minh kinh tế Á - Âu trong những lĩnh vực tiềm năng như khai khoáng và chế biến khoáng sản, năng lượng, khai thác và chế biến dầu khí, chế tạo máy, hoá chất, du lịch.
VN mong muốn đẩy mạnh và mở rộng đầu tư sang các nước thành viên liên minh trong các lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, khai thác dầu khí… và sẽ tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm thuộc các nhóm hàng ưu thế của VN như nông sản, thuỷ sản, hàng dệt may, da giày và đồ gỗ, để đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng của liên minh.
Theo Bộ Công thương, một nội dung quan trọng của hiệp định này là phía liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả mặt hàng thủy sản của VN ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Liên minh Á - Âu đã dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng VN có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.
Còn phía VN đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa VN mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.
Riêng đối với các mặt hàng nông sản, tuy là các mặt hàng phía liên minh coi thuộc diện ưu tiên và đã được VN đồng ý mở cửa ngay, chẳng hạn như sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc...
Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Theo đánh giá bước đầu, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỉ USD vào năm 2020, tăng đáng kể so với mức 4 tỉ USD đạt được năm 2014.
Theo ước tính của VN, kim ngạch xuất khẩu của VN sang liên minh sẽ tăng khoảng 18 - 20% hằng năm.