Phát triển vượt bậc
Theo lịch sử phát triển hệ thống điện Việt Nam, điện năng đã du nhập vào Việt Nam theo chân người Pháp cách đây hơn 120 năm nhưng chỉ ở khu vực thiểu số. Chỉ đến tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, các cơ sở điện lực mới được tiếp nhận để hình thành nên ngành điện cách mạng Việt Nam. Vào thời điểm đó, ngành điện mới có khoảng 31MW nguồn điện, vài nghìn km đường dây, trạm biến áp các loại nhưng cũng đã cũ, lạc hậu. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 60 năm phát triển, đặc biệt kể từ khi các công ty điện lực ra đời và được sát nhập thống nhất dưới sự quản lý của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (năm 1995) và từ năm 2006 đến nay là EVN, hệ thống điện đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, khối lượng nguồn và lưới điện. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đã đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam là quốc gia nông nghiệp nghèo nàn, tiềm lực kinh tế có hạn, lại bị chia cắt, tàn phá bởi chiến tranh trong một thời gian dài và chỉ thực sự được thống nhất hơn 40 năm.
Tính đến hết năm 2016, nguồn điện cả nước đã đạt khoảng gần 42.000MW, trong đó EVN chiếm khoảng 63,16% công suất đặt toàn hệ thống, tương đương 26.164MW với nhiều loại hình nguồn như: Thủy điện, tua-bin khí, nhiệt điện đốt than, nhiệt điện đốt dầu, điện năng lượng tái tạo.
Với lưới điện, trước năm 1994, Việt Nam chỉ có lưới điện cấp điện áp 220kV trở xuống, khối lượng không đáng kể nhưng đến nay, đã có nhiều cấp điện áp từ 0,4 - 500kV cấp điện cho gần 100% số xã, phường, thị trấn và trên 99,12% số hộ dân, kể cả các vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Hệ thống lưới điện truyền tải 220kV - 500kV đã được đầu tư mạnh để kết nối nguồn điện với các trung tâm phụ tải và lưới điện khu vực; cùng với đó là lưới điện 110kV, lưới điện trung, hạ áp cũng được đầu tư phát triển nhanh chóng, bảo đảm cung cấp điện cho khách hàng.
Bên cạnh đó, EVN cũng không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực quản lý, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải tiến dịch vụ khách hàng, từng bước công khai, minh bạch hóa thông tin; xóa bỏ tư duy độc quyền nhà nước sang cơ chế thị trường cạnh tranh. Đáng kể nhất là việc đưa 5 trung tâm dịch vụ chăm sóc khách hàng của 5 tổng công ty điện lực vào hoạt động với nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng trên cơ sở công nghệ thông tin; liên tục cải cách hành chính, giảm thời gian tiếp cận điện năng từ trên 3 tháng xuống còn dưới 10 ngày; giảm tổn thất điện năng từ 2 con số xuống còn dưới 8% (năm 2016); đồng thời nâng cao độ tin cậy cấp điện, giảm thời gian và tần suất mất điện. Ngoài ra, EVN còn đi đầu trong các phong trào xã hội khác như sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả; tham gia cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, chống hạn, đẩy mặn cho hạ du; hỗ trợ công tác an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo; giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia...
Tiếp tục đảm nhận trọng trách
Những năm qua, đặc biệt là từ năm 2008, mặc dù hoạt động trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn; tác động của thiên tai, hạn hán lũ lụt, biến đổi khí hậu; các cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư ngoài ngành điện gặp khó khăn; khâu giải phóng mặt bằng các dự án điện còn vướng mắc, nhưng bằng sự quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý điều hành, EVN đã từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đầu tư, sản xuất, kinh doanh được giao.
Cụ thể, EVN đã chủ động thu xếp đủ nguồn vốn; quản lý chặt chẽ, khoa học, tiết kiệm chi phí trong đầu tư xây dựng các dự án công trình điện, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu đề ra mà còn làm lợi cho nền kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, hệ thống điện đã đủ cung ứng cho nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, nhất là khu vực miền Nam và có dự phòng. Năm 2016, EVN đã sản xuất và mua gần 177 tỷ kWh điện, đáp ứng đủ nhu cầu điện với mức tăng trưởng hơn 11%/năm, vượt kế hoạch 350 triệu kWh. Công tác quản lý, vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và công tác triển khai thị trường bán buôn điện đã được EVN thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Công Thương. Đến cuối năm 2016, đã có 73 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất đặt gần 18.000MW, chiếm 46% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã bảo đảm truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung cấp cho miền Nam trên 15,8 tỷ kWh (tương đương 18% nhu cầu điện của miền Nam).
Trong sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động, EVN đã tập trung vào sản xuất, kinh doanh điện và chuyên môn hóa các khâu phát điện - truyền tải - phân phối và kinh doanh điện. EVN xây dựng Đề án tối ưu hóa chi phí trong sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2014 - 2016 nhằm tăng doanh thu, giảm chi phí, bảo toàn và phát triển vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2016, tổng doanh thu toàn EVN đạt 278.031 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2016 của EVN và các đơn vị đều có lãi, đồng thời thực hiện nộp đầy đủ các loại thuế, phí cho ngân sách trung ương và địa phương.
Với vai trò là tập đoàn kinh tế nhà nước - một trong những trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, năm 2017 và các năm tiếp theo, EVN vẫn tiếp tục được Chính phủ giao nhiệm vụ phải bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội với phương châm "điện phải đi trước một bước"; đóng góp tích cực xây dựng, phát triển thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt và là nhân tố chính trong việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (đã điều chỉnh), tầm nhìn đến 2030. Trong đó, có việc tiếp nhận chuyển giao các nhà máy nhiệt điện từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; nghiên cứu đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo; đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 3 và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị, cổ phần hóa các tổng công ty phát điện...
Với truyền thống tốt đẹp và bản lĩnh, EVN sẽ tiếp tục hoàn thành thắng lợi, giữ vững vai trò là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, xứng đáng với sự giao phó, niềm tin của Đảng, nhà nước và nhân dân trong hành trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử