GMS về cơ bản là một khu vực kinh tế tự nhiên gắn kết với nhau bởi dòng sông Mê Công, có những điểm chung về lịch sử và văn hóa.

Từ năm 1992, với sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), sáu nước trên bắt đầu thực hiện một chương trình hợp tác tiểu vùng (GMS) nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với nhau.

Mục tiêu của Hợp tác kinh tế GMS là xây dựng một Tiểu vùng phát triển thịnh vượng, hội nhập và bình đẳng. Mục tiêu trước mắt của Chương trình này là nhằm xúc tiến các hoạt động chung trong các lĩnh vực có khả năng nhất (hạ tầng cơ sở, thương mại đầu tư, du lịch, bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực) tạo môi trường thuận lợi phát triển hợp tác kinh tế lâu dài; thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên Tiểu vùng.

Hợp tác Tiểu vùng GMS tập trung vào 9 lĩnh vực ưu tiên chính: Giao thông vận tải, Năng lượng, Môi trường, Du lịch, Viễn thông, Thương mại, Đầu tư, Phát triển nguồn nhân lực, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Giao thông

Các đề án giao thông cho GMS nhằm xây dựng các hành lang giao thông ưu tiên kết nối tiểu vùng và kết nối giao thông đến các trung tâm dân cư, các điểm đến du lịch, thị trường và các trung tâm hoạt động kinh tế khác.

Các hành lang giao thông chính hình thành cơ sở cho ba hành lang kinh tế chính của Tiểu vùng Mê- kông Mở rộng, đó là: (i) Hành lang Kinh tế Bắc–Nam, (ii) Hành lang Kinh tế Đông–Tây, và (iii) Hành lang Kinh tế Phía Nam.

Hỗ trợ Giao thông và Thương mại

Hỗ trợ Giao thông và Thương mại tại Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng tập trung vào các biện pháp phi vật chất hoặc “phần mềm” nhằm tăng cường kết nối và gắn kết giữa các quốc gia thành viên để đẩy mạnh đầu tư và thương mại xuyên biên giới. Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới (CBTA) giữa các nước GMS là khuôn khổ cho các nỗ lực hỗ trợ giao thông và thương mại nhằm hỗ trợ hiệu quả vận chuyển hàng hóa, xe cộ và hành khách xuyên biên giới tại tiểu vùng.

Năng lượng

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tại Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng nhằm thiết lập một thị trường điện năng khu vực cạnh tranh và hội nhập qua đó phát triển bền vững các nguồn lực năng lượng phong phú của Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng, cải thiện an ninh năng lượng và cải thiện cơ hội tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại và trong khả năng chi trả của người dân.

Nông nghiệp

Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp Trọng tâm của Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng Giai đoạn II (2011–2020) đặt mục tiêu về một tiểu vùng sẽ được công nhận trên toàn cầu là nơi sản xuất thực phẩm an toàn hàng đầu bằng các biện pháp nông nghiệp thân thiện với khí hậu và hội nhập với các thị trường toàn cầu qua các hành lang kinh tế khu vực. Môi trường

Chương trình Môi trường Trọng tâm của Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng nhằm hình thành nên một khu vực trong đó tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tập trung vào ba chuyên đề ưu tiên: đa dạng hóa sinh học và giảm nghèo, thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, và tăng cường năng lực.

Phát triển Nguồn Nhân lực

Chiến lược và kế hoạch hành động phát triển nguồn nhân lực tại Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng tập trung vào đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động và di cư, và phát triển xã hội. Các đề án hợp tác còn bao gồm các chương trình về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, phòng chống HIV/AIDS, di cư an toàn, đào tạo kỹ thuật và nghề, giáo dục bậc cao và nghiên cứu.

Phát triển Đô thị

Lĩnh vực phát triển đô thị tại Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng tập trung vào đầu tư cho các dịch vụ và hạ tầng đô thị ưu tiên tại các thành phố nhỏ và vừa dọc các hàng lang giao thông GMS. Ngoài mục đích chuẩn bị cho tăng trưởng dân số, những hoạt động đầu tư này còn góp phần chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế và nâng cao cơ hội tiếp cận việc làm và thị trường tại các vùng nông thôn.

Du lịch

Lĩnh vực du lịch tại Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng sẽ xây dựng và khuyếch trương khu vực GMS thành một điểm đến duy nhất với sự đa dạng về những sản phẩm tiểu vùng có lợi ích cao, chất lượng tốt, nhằm giúp phân bổ lợi ích của du lịch được rộng rãi hơn trong khi giảm thiểu tối đa những tác động bất lợi. Đầu tư vào các cơ sở hạ tầng du lịch, kết hợp với nâng cao năng lực, đào tạo và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng sẽ góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và phát triển bền vững.

Công nghệ Thông tin và Truyền thông

Các nỗ lực về công nghệ thông tin và truyền thông tại Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng nhằm cải thiện kết nối viễn thông, cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, hỗ trợ đẩy mạnh cơ hội tiếp cận thông tin truyền thông nhằm giảm chi phí giao dịch và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực GMS.

Các khu Kinh tế Cửa khẩu và Đa ngành khác

Trọng tâm Khuôn khổ Chiến lược của Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng nhằm phát triển các hành lang kinh tế đã xúc tác đẩy mạnh sự quan tâm đến các đặc khu kinh tế, đặc biệt là các khu kinh tế cửa khẩu, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều ngành lĩnh vực.

Phát triển Các hành lang Kinh tế Tiểu vùng Sông Mê-kông Mở rộng

Chiến lược Ngành Giao thông Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng (2006–2015) đã xác định ra chín hàng lang đường bộ hình thành nên mạng lưới kết nối giao thông của tiểu vùng. Các hành lang này là cơ sở để phát triển các “hành lang kinh tế” kết hợp giữa phát triển hạ tầng với thương mại, đầu tư và các cơ hội kinh tế khác trong các địa bàn địa lý cụ thể, được bổ sung bằng các nỗ lực giải quyết tác động xã hội, môi trường và các tác động khác do tăng cường kết nối.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương