Thị trường quá phức tạp

Theo Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó, phân bón vô cơ chiếm khoảng 90% nhu cầu, phân hữu cơ và phân bón khác chiếm phần còn lại.

Về năng lực sản xuất, đáp ứng được gần 80% nhu cầu tổng; phân đạm urea cung vượt cầu khoảng 400.000 tấn, phân lân, phân hỗn hợp NPK cơ bản đáp ứng, DAP đáp ứng 65% nhu cầu. Phân kali và SA hiện nay chưa sản xuất được do không có lợi thế về nguyên liệu, phải nhập khẩu hoàn toàn.

Hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, các đơn vị sản xuất phân bón quy mô lớn thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (Phân bón Việt Nhật, Ba Con Cò...). Doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số trong các doanh nghiệp sản xuất phân bón, ngoại trừ một số cơ sở được đầu tư khá bài bản, hầu hết đều nhỏ lẻ, mức đầu tư thấp, sản xuất theo mùa vụ, công nghệ đơn giản, một số doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu về điều kiện sản xuất phân bón như trang thiết bị, nhà xưởng, phòng thử nghiệm phân tích chất lượng, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, an toàn, môi trường.

Về công nghệ sản xuất, đa số các doanh nghiệp sản xuất phân đơn (đạm urea, DAP, Super lân, Lân nung chảy...) là các doanh nghiệp lớn, điều kiện sản xuất đảm bảo dựa trên công nghệ tiên tiến, có chiến lược phát triển thương hiệu rõ ràng, đáp ứng yêu cầu về kiểm soát chất lượng ra thị trường. Các loại phân hỗn hợp như NPK, trung lượng, vi lượng, phân bón lá các loại, hầu hết được sản xuất với trang thiết bị đơn giản, phối trộn cơ học giữa các thành phần dinh dưỡng để tạo thành sản phẩm. Một số đơn vị sử dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất phân hỗn hợp như Công ty phân bón Việt Nhật, Công ty Ba con cò, Công ty cổ phần Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định, Công ty TNHH Một thành viên On Oanh, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty Tiến Nông Thanh Hóa và sắp tới là Công ty CP Đạm Phú Mỹ, Công ty Phân bón Cà Mau... Xu hướng sản xuất phân hỗn hợp NPK từ phản ứng hóa học, tạo hạt bằng tháp cao đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Về phân bố địa lý, khu vực phía Nam chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ cả nước, tập trung tại một số tỉnh Long An, Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang và thành phố Hồ Chí Minh.

Về hoạt động kinh doanh, hiện nay cả nước có hàng ngàn cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ. Phân phối phân bón ở Việt Nam chủ yếu dựa trên hệ thống đại lý và chuỗi cửa hàng. Có một số ít doanh nghiệp có thể vừa sản xuất vừa phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng.

Về xuất nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng phân bón đạt 793 nghìn tấn, trị giá 280 triệu USD giảm 25,2% về lượng và trị giá so với năm 2014. Thị trường xuất khẩu phân bón chủ yếu là các nước thuộc khu vực Đông nam Á, trong đó Campuchia là thị trường lớn nhất, tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc, Malaixia, Philipin chiếm tỷ trọng lần lượt khoảng 10%, còn lại là Thái Lan, Lào…

Năm 2015 tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng phân bón đạt 4,505 triệu tấn, trị giá 1,42 tỷ USD tăng 18,7% về lượng và 14,5% về trị giá so với năm 2014. Trung Quốc là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam.

Công tác quản lý phân bón tập trung vào hai phương diện: Một là, quản lý hoạt động đầu tư, định hướng phát triển ngành đảm bảo đáp ứng được nhu cầu trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị tăng thêm và sức cạnh tranh của sản phẩm; hai là, quản lý sản xuất, kinh doanh, chất lượng phân bón nhằm phát triển thị trường phân bón lành mạnh, đảm bảo chất lượng phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Hơn 2 năm sau ngày Nghị định số 202/2013/NĐ-CP có hiệu lực, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón đang dần vào nền nếp, đạt được một số kết quả sau: 452 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ, hữu cơ đã được Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi tắt là 2 Bộ) thẩm định, cấp phép sản xuất; 34 doanh nghiệp đã được cấp phép thuê gia công phân bón; 38+9 tổ chức thử nghiệm, 8 tổ chức giám định và 14+10 tổ chức chứng nhận phân bón đã được 2 Bộ chỉ định. Các tổ chức này được phân bổ đều trên cả nước, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất lượng phân bón. Đội ngũ các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương ngày càng được kiện toàn về số lượng và chất lượng, đặc biệt, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi cục QLTT địa phương đã tích cực thực hiện các trách nhiệm được phân cấp trong quản lý phân bón trên địa bàn.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: thị trường phân bón còn phức tạp, phân bón giả, kém chất lượng, bao bì nhãn mác mập mờ đang làm méo mó thị trường phân bón. Một số tổ chức, cá nhân không giấy phép vẫn lén lút sản xuất phân bón, một số đại lý phân phối gây sức ép về giá thành đối với người sản xuất buộc phải giảm chất lượng đầu vào, v.v...

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nhận định, Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, Thông tư số 29/2014/TT-BCT và Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT còn một số hạn chế, chưa theo kịp diễn biến của thị trường gây vướng mắc trong thực hiện: như san chiết, đóng gói phân bón, gia công phân bón, quảng cáo, hội thảo giới thiệu phân bón, khảo nghiệm, phân loại phân bón và phân cấp quản lý. Một số quy định chưa phù hợp với thực tế như yêu cầu về nhân lực đối với các cơ sở sản xuất, quy định việc cấp giấy phép sản xuất đồng thời phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác, quy trình, thủ tục chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy kéo dài... Do đã được ban hành trước, một số quy định của Nghị định cũng đã không còn phù hợp với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2384/VPCP-KTN ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ, hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.

Sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia nhấn mạnh đến những nguyên nhân cơ bản của tình hình thị trường phân bón Việt Nam hiện nay là sự "vào cuộc" của một số Bộ, ngành chưa thường xuyên, công tác quản lý nhà nước còn chồng chéo. Ở địa phương - nơi trực tiếp diễn ra hoạt động kinh doanh sản xuất phân bón thì quản lý còn lỏng lẻo, còn có trường hợp tiếp tay cho các hành vi vi phạm; hệ thống cấp phép còn chồng chéo... Theo ông Đàm Thanh Thế, kết quả xử phạt chưa tương xứng với tình hình thực tế. Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia đề nghị BCĐ 389 từ Trung ương đến địa phương cần nghiêm túc, quán triệt thực hiện các văn bản của Chính phủ về quản lý hóa chất; các Bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra để đánh trúng, đánh đúng các tụ điểm. Các vụ việc phát hiện cần xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện đại chúng. Có hình thức biểu dương xứng đáng đối với các đơn vị có thành tích. Các địa phương nghiêm túc thực hiện, tổ chức tuyên truyền cho người nông dân về các loại phân bón, đồng thời tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh đề xuất tại Hội thảo, nên giao quản lý thị trường phân bón cho một Bộ thay vì hai Bộ như hiện nay vì như thế rất dễ chồng chéo. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Lãnh đạo Bộ khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn để quản lý chất lượng phân bón cũng như kiểm soát thị trường phân bón ngày càng tốt hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, thị trường phân bón tác động trên 60% người dân Việt Nam, chủ yếu là đối tượng nông dân. Nếu sớm lập lại được thị trường này thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cũng như niềm tin cho trên 60% người dân.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện nay ngành phân bón đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Trên 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón, đáp ứng 80% nhu cầu phân bón trong thị trường nội địa, có xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Với sự phát triển mạnh mẽ như trên, thị trường phân bón đã đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như nền kinh tế đất nước. Vì vậy, trách nhiệm của các Bộ, ngành, Hiệp hội, địa phương... trong việc phối hợp, lập lại trật tự thị trường phân bón rất cấp thiết và nặng nề. Thứ trưởng khẳng định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp chặt chẽ, cùng các cơ quan có liên quan, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ sẽ sớm hoàn thiện khung pháp lý (Xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP trình Chính phủ trong 2016, các thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành và áp dụng ngay khi Nghị định 202 sửa đổi có hiệu lực); ban hành 18 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong năm 2016, tiếp tục ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón trong năm 2017; Nghiên cứu để phân cấp quản lý sản xuất phân bón cho các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát huy tối đa vai trò, nguồn lực của các cơ quan chuyên môn tại địa phương; Xây dựng lộ trình nhất quán để các tổ chức, cá nhân chú trọng đầu tư nâng cao điều kiện sản xuất phân bón; Thực hiện công tác hậu kiểm đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép sản xuất phân bón. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh nhằm hướng dẫn pháp luật, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp và người dân, phổ biến cho bà con nông dân cách lựa chọn và sử dụng phân bón khoa học.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương