Tuy nhiên, xét về mặt vĩ mô thì đây cũng là thách thức để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm, đó là tăng trưởng khoảng 10% theo mục tiêu đăng ký và Quốc hội đã thông qua.

Tuy không nằm trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh, nhưng các doanh nghiệp dệt may cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm do yếu tố cạnh tranh về mặt giá thành sản phẩm cũng như thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH May Hưng Nhân cho biết, việc cạnh tranh giá thành sản phẩm và mẫu mã với các nước  xuất khẩu dệt may có vị trí địa lý thuận lợi hơn diễn ra rất khốc liệt. Trong khi đó, cung cấp nguyên phụ liệu trong nước vẫn còn hạn chế, giá thành cao, thời gian cung cấp sản phẩm dài cũng làm ảnh hưởng đến thời gian sản xuất và đưa sản phẩm của DN ra thị trường.

Còn với Công ty TNHH XNK Thương mại Lộc Anh, chưa bao giờ lại rơi vào cảnh xuất khẩu sụt giảm như 6 tháng đầu năm nay. Chưa có năm nào tình hình xuất khẩu gạo khó khăn như năm nay về vấn đề giá, đặc biệt là phải cạnh tranh với giá lúa gạo ở các nước trong khu vực.

“DN của chúng tôi nằm trong chuỗi bao tiêu liên kết cho người nông dân. Thời điểm chúng tôi mua có hỗ trợ giá cho nông dân, nhưng ra thị trường xuất khẩu các nước khu vực cạnh tranh, rồi tiểu ngạch Trung Quốc bị ách, do đó giá cả biến động lớn, thành ra DN rất khó khăn trong 6 tháng đầu năm, ngoài ra sức ép của ngân hàng về đáo hạn, cho nên cạnh tranh ở bên ngoài, bên trong để bán cho kịp, từ đó giá cả thị trường thấp, biến động, gây khó khăn trong 6 tháng đầu năm”, Ông Đoàn Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty cho biết.

Những biến động và yếu tố bất ổn của thị trường thế giới, đã có tác động mạnh mẽ tới hoạt động xuất nhập khẩu nói chung của Việt Nam. Trong số các mặt hàng có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, thì đáng lưu ý là mặt hàng nông, thủy sản.

Trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản ước đạt 2,6 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành sáu tháng đầu năm 2015 lên 14,42 tỷ USD, giảm 2,8%. Trong đó, xuất khẩu gạo và cà phê giảm sút mạnh cả số lượng và giá trị.

Năm 2015, kinh tế thế giới phục hồi dẫn đến nguồn cung hàng hóa trở nên dồi dào và hàng Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với hàng của các quốc gia khác. Bên cạnh đó, nhu cầu của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh trên thế giới đã chạm ngưỡng, dẫn đến xuất khẩu các mặt hàng này gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, khả năng năm nay đạt được mục tiêu xuất khẩu là hoàn toàn được. Có thể phát triển được những mặt hàng không phải thế mạnh, nội lực, mà chủ yếu là từ khu vực FDI, ví dụ như điện thoại di động.  Bên cạnh đó cần giữ vững những những thị trường truyền thống , trong đó có thể cải thiện được và chuyển biến là thủy sản.
Ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, tốc độ tăng trưởng của mặt hàng nông lâm thủy sản năm 2015 sẽ không thể đạt được bằng mức của 2014, là trên 10%. Nhưng chúng ta sẽ phải phấn đấu bằng mọi giá để có thể tiêu thụ hết các sản phẩm.

Trên thực tế, việc kim ngạch xuất khẩu không tăng trưởng mạnh như những năm trước đã được Bộ Công Thương dự báo ngay từ cuối năm 2014. Trong  tháng 5, tháng 6 chúng ta tăng cường năng lực xuất khẩu, kiểm soát hiệu quả nhập siêu, 6 tháng ước tính nhập siêu chỉ còn 4,8%. Như vậy chúng ta là vẫn đang giữ dưới mức 5%, theo mục tiêu đăng ký với Quốc hội và Quốc hội đã thông qua. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 9,3%, thấp hơn một chút so với đăng ký. Và như vậy tốc độ tăng trưởng có thể ở mức thấp hơn nhưng còn phụ thuộc vào tăng trưởng trong cả năm 2015.

Trước tình hình khó khăn chung, Bộ Công Thương nhấn mạnh, cần phải tổ chức thị trường chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là phải có hỗ trợ cho doanh nghiệp trong khai thác thông tin thị trường có hiệu quả để từ đó giúp cho doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh gắn kết với người nông dân, người sản xuất để có thể đưa sản phẩm của chúng ta ra nước ngoài ổn định hơn, hiệu quả hơn.