Trong khuôn khổ chương trình chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hàn Quốc và Hội nghị Cấp cao Mê Kông – Hàn Quốc kết hợp thăm chính thức Hàn Quốc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Ngài Sung Yunmo, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã đồng chủ trì phiên họp cấp Bộ trưởng của kỳ họp thứ 9 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam Hàn Quốc, kỳ họp thứ 3 Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Hàn Quốc vào ngày 26 tháng 11 năm 2019 tại Busan để thảo luận và thống nhất các phương hướng, biện pháp quan trọng nhằm phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai Bên.
Nhân dịp này, hai Bộ trưởng đã ký các văn kiện quan trọng như: Biên bản Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc; Tuyên bố chung Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).
Phiên họp cấp Bộ trưởng của các kỳ họp đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, cởi mở. Hai Bên đã trao đổi thẳng thắn, tích cực để cụ thể hóa các tiềm năng hợp tác của hai nước, giải quyết các vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm và thu được nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực.
Mở đầu các phiên họp, Bộ trưởng Sunmo Yung khẳng định Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy chính sách hướng Nam, trong đó Bộ MOTIE sẽ đưa ra phương hướng hợp tác mới với các nước ASEAN, lấy Việt Nam làm hình mẫu điển hình của sự hợp tác thành công, từ đó lan tỏa ra các nước ASEAN khác. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống nhất công nghiệp, thương mại và năng lượng, phía Hàn Quốc đề nghị nâng cao và phát huy vai trò của Ủy ban hỗn hợp, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực như cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ tiên tiến, v.v…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao định hướng mở rộng hợp tác giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN; khẳng định thành công trong hợp tác giữa hai nước và cộng đồng doanh nghiệp hai Bên đều có lợi cho Hàn Quốc, Việt Nam và các nước ASEAN. Bộ trưởng cũng mong muốn hợp tác Hàn Quốc – Việt Nam sẽ là hình mẫu tốt cho ASEAN trong đó công nghệ Hàn Quốc được áp dụng thành công tại Việt Nam sẽ tạo chuỗi giá trị mới cho khu vực, tạo liên kết mới giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc.
Kết quả cụ thể của phiên họp cấp Bộ trưởng của kỳ họp thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc cụ thể như sau:
Trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bên nhất trí tăng cường phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (điện tử và điện thoại thông minh), công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may, da giầy. Đây là 03 ngành công nghiệp then chốt của Việt Nam và cũng là thế mạnh của Hàn Quốc. Việc tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chế biến, chế tạo, mở rộng chuỗi cung ứng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, xuất phát từ đề nghị của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Hàn Quốc nhất trí hai Bên sẽ (i) Phối hợp chặt chẽ để sớm khai trương Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK) ngay trong năm 2019; (ii) Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu, điều tra thị trường, đối tác sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; (iii) Phối hợp chặt chẽ triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tổ hợp Samsung tại Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu đã được ký kết ngay tại Kỳ họp; (iv) Tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo về công nghiệp hỗ trợ; (v) Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thiết kế kỹ thuật số cho doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Việt Nam...
Đặc biệt, VITASK là dự án mà Bộ Công Thương và Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và kỳ vọng với mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hỗ trợ thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, kiểm định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt thực hiện dự án này vào ngày 13 tháng 11 năm 2019.
Trong lĩnh vực năng lượng, hai Bên đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp hai Bên thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia đầu tư vào các dự án BOT lớn hoặc trở thành nhà thầu EPC các dự án lớn tại Việt Nam. Hai Bên cũng nỗ lực thúc đẩy hợp tác về an toàn năng lượng, tiết kiệm năng lượng. Những kết quả này không chỉ đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mà còn thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào môi trường, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, hai Bộ trưởng còn nhất trí thúc đẩy doanh nghiệp hai Bên hợp tác phát triển các dự án phát triển công nghệ năng lượng thông minh, khẳng định đây là xu thế, từng bước làm thay đổi ngành năng lượng truyền thống, tạo ra những thành quả to lớn, mang tính đột phá trong phát triển những nguồn năng lượng, nhất là những nguồn năng lượng mới, tái tạo.
Trong lĩnh vực thương mại, hai Bên nhất trí tăng cường hợp tác và thực hiện mọi biện pháp cần thiết, hợp lý nhằm hỗ trợ thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương theo hướng tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, đặc biệt nhóm hàng nông thủy sản; tăng cường thu hút đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm, phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ thương mại.
Cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng logistics một cách đồng bộ và giảm chi phí logistics đóng vai trò then chốt trong phát triển thương mại của Việt Nam nói chung và thương mại Việt Nam – Hàn Quốc nói riêng, lấy ví dụ chi phí logistics chiếm 50% giá thành của thanh long xuất khẩu dẫn đến khó cạnh tranh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ MOTIE, KOICA hỗ trợ Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam quy hoạch và xây dựng hạ tầng logistics cho các khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam. Bộ trưởng Sung Yunmo nhất trí và sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan của Hàn Quốc về đề nghị này.
Ngoài ra, hai Bên nhất trí: (i) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu nông sản và thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc; (ii) tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại thông qua việc tiếp tục phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (PVTM) để cung cấp thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, tăng cường phổ biến các quy định pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc về PVTM, cập nhật các vụ việc PVTM liên quan mà hai bên cùng quan tâm; (iii) phối hợp, hỗ trợ nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm của Việt Nam; (iv) tạo điều kiện cho hàng Việt Nam thâm nhập các kênh phân phối Hàn Quốc; (v) hợp tác đào tạo nguồn nhân lực về thương mại...
Phiên họp cấp Bộ trưởng kỳ họp thứ 3 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc cụ thể như sau:
Căn cứ Hiệp định VKFTA được ký kết vào năm 2015, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã thành lập một Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định cấp Bộ trưởng và đã hợp tác hết sức chặt chẽ, tích cực thông qua Ủy ban chung và 01 hệ thống gồm 08 Tiểu ban và 02 Nhóm công tác để thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định mang lại (Tiểu ban Thương mại hàng hóa, Tiểu ban Hải quan và Xuất xứ hàng hóa, Tiểu ban Phòng vệ thương mại, Tiểu ban SPS, Tiểu ban Hàng rào kỹ thuật thương mại, Tiểu ban Hợp tác kinh tế, Tiểu ban Di chuyển thể nhân, Tiểu ban Dịch vụ tài chính, Nhóm công tác về đầu tư, Nhóm công tác về dịch vụ).
Ngay trước kỳ họp lần 3 của Ủy ban hỗn hợp thực thi VKFTA, hai Bên đã tổ chức họp các Tiểu ban Hợp tác kinh tế, Tiểu ban Hải quan và Xuất xứ hàng hóa, Tiểu ban Phòng vệ thương mại, Tiểu ban Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Tiểu ban Hàng rào kỹ thuật trong thương mại TBT.
Về lĩnh vực hải quan và xuất xứ hàng hóa, hai Bên đã đánh giá cao nỗ lực của Tiểu ban Hải quan và Xuất xứ hàng hóa giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục cấp C/O VKFTA. Hai Bên nhất trí tiếp tục thảo luận, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng hệ thống cấp C/O điện tử và khả năng chia sẻ dữ liệu C/O VKFTA để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước tận dụng đầy đủ các ưu đãi thuế quan của Hiệp định VKFTA.
Để tạo thuận lợi cho thương mại nông sản, hai Bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ và thúc đẩy các cơ quan liên quan của hai nước tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập khẩu nông thủy sản, cụ thể là đối với tôm và cá bò khô tẩm gia vị của Việt Nam, đẩy nhanh quá trình đánh giá rủi ro nhập khẩu, cụ thể đối với trái cây của Việt Nam như thanh long ruột đỏ, bưởi, chanh leo, v.v...). Phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật.
Trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, hai Bên nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan phòng vệ thương mại của hai nước, khuyến khích các cơ quan phòng vệ thương mại tiếp tục các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến quy định nhằm hiểu biết tốt hơn hệ thống và quy định, chính sách phòng vệ thương mại của mỗi nước. Theo yêu cầu của phía Việt Nam, phía Hàn Quốc khẳng định sẽ hỗ trợ Cục Phòng vệ thương mại thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại và hỗ trợ Cục Phòng vệ thương mại thông qua các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực vận hành hệ thống này.
Đối với Tiểu ban Hợp tác kinh tế, từ khi thành lập đến nay, hai Bên đã phối hợp thực hiện nhiều dự án hợp tác kinh tế. Trong đó, nhiều hoạt động nghiên cứu, hội thảo, đào tạo tăng cường năng lực, trao đổi, chia sẻ thông tin đã được tổ chức liên quan đến nội dung sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật đối với nông, thủy sản, v.v. Trong năm 2018, hai Bên đã hoàn thành 03 dự án, đang tiếp tục triển khai 02 dự án trong năm 2019 và sẽ triển khai 04 dự án hợp tác kinh tế trong năm 2020.
Nhờ sự đóng góp của Ủy ban thực thi và các Tiểu ban/Nhóm Công tác, Việt Nam và Hàn Quốc đang tận dụng tốt các điều khoản từ Hiệp định VKFTA từ khi Hiệp định có hiệu lực, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương về thương mại và đầu tư.
Cụ thể, một là, tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc duy trì ở mức tốt với cán cân thương mại có xu hướng ngày càng cân bằng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong giai đoạn sau khi Hiệp định VKFTA đi vào hiệu lực (2016-2018) đạt mức tăng trưởng trung bình 26,9%/năm so với mức 24,3%/năm của giai đoạn (2010-2015).
Hai là, các mặt hàng Hàn Quốc và Việt Nam cam kết cắt giảm thuế đều có mức tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Đối với Việt Nam là thủy sản, dệt may, đồ gỗ và sản phẩm gỗ, giầy dép các loại, xơ, sợi dệt các loại, rau quả. Đối với Hàn Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; dây điện và cáp điện, v.v…
Ba là, đầu tư FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Trong giai đoạn từ 2015 – 2018, Hàn Quốc liên tiếp đứng đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Tính lũy kế đến ngày 20/9/2019, Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư số một trong tổng số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 8.190 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký lũy kế đạt 65,77 tỷ USD.
Bên lề các kỳ họp, hai Bộ trưởng cũng đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ về Dự án “Nâng cao năng lực và phát triển chung trong ngành dịch vụ phân phối tại Việt Nam” giữa Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tập đoàn Lotte (LOTTE). Thay mặt Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đã ký Bản ghi nhớ này với các đối tác phía Hàn Quốc.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi
Nguồn: Moit.gov.vn