Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết như vậy tại cuộc Họp báo về Kết quả công tác tháng 9 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 10 năm 2015 diễn ra chiều ngày 6/10.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm tới 35% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này; xuất khẩu cao su chiếm tới 48% tổng giá trị xuất khẩu và rau quả chiếm tới 64% tổng giá trị xuất khẩu… Ở chiều ngược lại, các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng có tới 62,5% nhập khẩu từ Trung Quốc.

TPP chính thức được ký kết có 12 quốc gia tham gia với tổng dân số khoảng 600 triệu người, chiếm 40% GDP toàn cầu và 26% giá trị hàng hóa luân chuyển thương mại toàn cầu. Khi Việt Nam tham gia vào TPP sẽ đem lại bốn cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp.

Trong đó, cơ hội thứ nhất TPP mang lại là mở ra thị trường mới rộng mở hơn, giúp Việt Nam điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu lĩnh vực nông nghiệp. 11 quốc gia còn lại trong TPP sẽ giúp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc.

Cơ hội thứ hai là khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản đã giảm thuế xuất khẩu xuống hơn 90% và có mặt hàng xuống 0%. Chỉ một thời gian ngắn nữa, toàn bộ thuế suất xuất khẩu các mặt hàng nông sản sẽ về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam có lợi thế như đồ gỗ, thủy sản… Như vậy, TPP sẽ thúc đẩy mạnh đến tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, hiện nay, trong khi ngành nông nghiệp “khát” vốn, đầu tư FDI vào nông nghiệp khá ít. Giá trị vốn cam kết chỉ chiếm 1,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Chính vì vậy, cơ hội thứ ba là giúp thu hút được vốn đầu tư từ các quốc gia trong TPP vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích, khi hội nhập mạnh mẽ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp tham gia TPP đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam sẽ đem theo cả công nghệ cũng như phương thức quản lý hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền nông nghiệp trong nước. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà TPP mang lại, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. 

Hiện tại, có khoảng 3.500 doanh nghiệp trong nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% nên rất khó trong cạnh tranh.

Quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, mang xu hướng hộ gia đình, công nghệ còn kém. Nếu không thay đổi kịp thời cách thứ sản xuất hiện nay thì ngành chăn nuôi rất dễ "thua" trên sân nhà.

“TPP là sân chơi chung, luật chung nên ai mạnh người ấy thắng. Nếu nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì quản lý như hiện tại thì sẽ rất khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, cạnh tranh với các nước khác”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.. 

Kiều Linh