Tham dự hội nghị có lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, UBND TP Đà Nẵng, đoàn đại biểu cấp Bộ trưởng các nước CLMTV, đại diện các tổ chức quốc tế: ILO, IOM, UNDP, đại diện các trường dạy nghề, doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, cập nhật chính sách, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý lao động di cư giữa các nước CLMTV; cập nhật tình hình lao động di cư (người lao động đi làm việc tại nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc) tại các nước CLMTV; xác định các tác động của tương lai việc làm đối với người lao động di cư, việc làm bền vững an sinh xã hội đối với người lao động di cư; đánh giá một số kết quả đạt được trong việc triển khai các hoạt động giữa các nước CLMTV, đặc biệt trong lĩnh vực lao động di cư qua biên giới và các dự án về dạy nghề, phòng chống mua bán người; đưa ra Tuyên bố chung về di cư lao động an toàn giữa 5 nước.
 Thông qua những bài tham luận, các đại biểu và các chuyên gia từ Tổ chức Lao động quốc tế và Tổ chức Di cư quốc tế sẽ đề xuất những hoạt động ưu tiên để hỗ trợ và bảo vệ quyền của người lao động di cư trong thời gian tới. Đặc biệt, trước bối cảnh lao động di cư giữa các nước CLMTV có xu hướng gia tăng, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội và việc tạo cơ hội cho người lao động được trang bị kiến thức, các kỹ năng cần thiết trong quá trình làm việc nhằm giúp người lao động có được việc làm ổn định, thu nhập tốt là việc làm quan trọng.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương