Tham dự cuộc họp gồm có đại diện Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Công nghiệp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng...

Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 9,64 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Năm nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2017, góp phần lớn vào giá trị nhập siêu từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô (340 triệu USD).

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu từ Thái Lan trong thời gian qua được xác định gồm:

- Nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu từ Thái Lan như các mặt hàng điện, điện tử gia dụng và linh kiện, rau quả, máy vi tính, sản phẩm nhựa, sắt thép, các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm nội thất… Trong năm 2016, riêng tổng kim ngạch của 4 nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện, linh kiện phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc, rau quả đã chiếm tới 30% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan.

Đối với rau quả, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 410 triệu USD (chiếm 44,3% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ thế giới, gấp 10 lần kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan trong năm 2016). Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan các loại rau quả gồm: các loại đậu hạt, nấm, sầu riêng, dâu tây, chôm chôm, bòng bong, nhãn, măng cụt, mít, me, mận, mơ, xoài, bơ, ổi, chà là, bưởi, cam, dừa, hạt điều... Trong khi đó, Thái Lan chỉ mới cấp phép cho thanh long, vải và nhãn của Việt Nam được chính thức nhập khẩu vào thị trường Thái Lan. 8 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đã lên tới 618 triệu USD.

 - Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong ATIGA: Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đã được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Cho đến nay, Việt Nam đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018.

 - Thái Lan đã thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Thái đưa trực tiếp hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam.

- Người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái Lan, cả về giá cả, mẫu mã và chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng điện, điện tử, sản phẩm gia dụng, hoa quả và hàng tiêu dùng khác.

 - Do có tiềm lực về tài chính, Chính phủ Thái Lan dành ngân sách khá lớn cho việc triển khai với quy mô lớn và có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Hàng năm, có khoảng 12 đến 20 hội chợ hàng Thái được Bộ Thương mại Thái Lan (Cục Xúc tiến xuất khẩu), Hiệp hội doanh nghiệp Thái, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đứng ra tổ chức tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành Việt Nam với quy mô 100-300 gian hàng.

 - Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các mặt hàng của Thái Lan là đầu vào của sản xuất tại Việt Nam: Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan thuộc nhóm cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, chiếm tới 50% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan, gồm có: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; xăng dầu các loại; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy; vải các loại; giấy các loại; xơ, sợi dệt các loại; thức ăn gia súc và nguyên liệu...

 - Các hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam cũng dẫn tới việc tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

- Tác động của việc chuyển dịch nguồn nhập khẩu: Trước đây, nhiều mặt hàng tiêu dùng chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, nay chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan do người tiêu dùng đánh giá tốt hàng Thái so với hàng Trung Quốc và do hàng Thái Lan được hưởng ưu đãi thuế theo hiệp định ATIGA.

 Trên cơ sở nhận định những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhập siêu từ Thái Lan trong thời gian qua và một số đề xuất, kiến nghị của các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị phải chủ động và quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp đã được xác định nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang Thái Lan, khắc phục và giảm dần tình trạng nhập siêu, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới.

Một số giải pháp quan trọng được cuộc họp bàn tới gồm: tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý nhập khẩu theo quy định để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường; đề nghị hệ thống siêu thị do doanh nghiệp Thái Lan sở hữu tăng cường hỗ trợ giới thiệu, bán, tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam, hợp tác với các Tập đoàn phân phối bán lẻ của Thái Lan (Central Group, TCC) để tổ chức Tuần hàng Việt Nam và Hội nghị kết nối mua hàng Việt Nam; tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như các chương trình tuyên truyền, cổ vũ dùng hàng nội địa khác cho người tiêu dùng, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường Thái Lan, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp tổ chức hoặc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Thái Lan; tăng cường hoạt động thông tin, phổ biến các cơ hội tiếp cận thị trường Thái Lan có được từ việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN và việc thực thị Hiệp định ATIGA; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng Chứng nhận xuất xứ (C/O) Mẫu D khi xuất khẩu sang Thái Lan.

Đối với nông sản, trái cây, theo các đại biểu cần tập trung xây dựng vùng quy hoạch, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm trái cây Việt Nam có chất lượng tốt và đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ công tác quảng bá, chỉ dẫn địa lý sản phẩm; từng bước hướng tới nền nông nghiệp sạch và hữu cơ.

Bộ Công Thương cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc quản lý hàng hóa nhập khẩu từ các nước và Thái Lan nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nhập khẩu và hiệu quả nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy đàm phán để Thái Lan tiếp tục mở của thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, để có thể khẳng định chất lượng hàng Việt và có được niềm tin của người tiêu dùng, chính các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đưa ra các sản phẩm đáng ứng yêu cầu về chất lượng và mẫu mã với giá thành cạnh tranh để có thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan. Có ý kiến cho rằng cần đưa ra hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, hàng rào kỹ thuật không phải để hạn chế nhập khẩu mà là để nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, nếu không chúng ta không bao giờ cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, các đơn vị bước đầu đã có những phân tích, nhận định sâu sắc và toàn diện, tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Bộ trưởng để nghị, các đơn vị thuộc Bộ cần nêu cao vai trò của mình, có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, cân đối tình hình xuất khẩu - nhập khẩu.

Đối với tình hình nhập siêu từ Thái Lan như hiện nay, Bộ trưởng nêu vấn đề, các đơn vị phải tìm hiểu toàn diện lý do tại sao Việt Nam lại nhập siêu từ Thái Lan, trong khí đó, cũng là các nước trong khu vực ASEAN như In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, hàng hóa của Thái Lan lại không thể thâm nhập sâu rộng như tại thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần xác định cái đích cuối cùng là để phục vụ đối tượng doanh nghiệp và người dân. Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Cục Phòng vệ thương mại..; Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; các Bộ, ngành; Hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất... để tổng hợp ý kiến một cách toàn diện, hoàn thiện Báo cáo.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đến vai trò của công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương và các bộ ngành khác trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại. Hiện công tác này vẫn còn nhiều hạn chế nên cần khắc phục mạnh mẽ trong thời gian tới. "Cần xác định rằng, chúng ta làm không phải vì Bộ Công Thương mà vì cộng đồng doanh nghiệp, xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cuộc họp cũng đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính triển khai một số giải pháp trong phạm vi chức năng của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để có sự triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu sang Thái Lan và khắc phục tình trạng nhập siêu từ Thái Lan.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương