Bộ Công Thương vừa ban hành Quy chế quy định về việc tiếp nhận và xử lý thông tin về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua Đường dây nóng của Bộ Công Thương.

Theo đó, Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Mục tiêu của quy chế nhằm tiếp nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa (sau đây gọi tắt là thông tin); kịp thời giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Việc tiếp nhận và xử lý thông tin phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục, thời gian, thẩm quyền theo quy định của Quy chế này và quy định của pháp luật. Người cung cấp thông tin qua Đường dây nóng được đảm bảo giữ bí mật danh tính, địa chỉ; kết quả xử lý thông tin được gửi cho người cung cấp thông tin trong trường hợp có yêu cầu. Nghiêm cấm các hành vi: cung cấp, phản ánh thông tin sai sự thật, mang tính chất hoang báo; sử dụng từ ngữ thô tục, có nội dung bôi nhọ, xúc phạm đến người khác; quấy rối qua điện thoại, gây bức xúc, làm ảnh hưởng, gián đoạn công việc của cán bộ tiếp nhận thông tin và hoạt động của Đường dây nóng. Các hành vi nêu trên tùy mức độ nghiêm trọng sẽ bị Bộ Công Thương xem xét, xử lý hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Quy chế cũng nêu rõ, đường dây nóng về xuất nhập khẩu hàng hóa của Bộ Công Thương tiếp nhận thông tin tại số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, trang thông tin điện tử theo công bố chính thức của Bộ Công Thương. Thời gian tiếp nhận thông tin qua Đường dây nóng vào giờ hành chính của các ngày làm việc trong tuần. Thông tin phản ánh đến Đường dây nóng của Bộ Công Thương phải sử dụng bằng ngôn ngữ Tiếng Việt và có nội dung cụ thể về tên, địa chỉ, số điện thoại, email của cá nhân, tổ chức phản ánh thông tin đến Đường dây nóng. Thông tin phản ánh đến Đường dây nóng của Bộ Công Thương có thể bị từ chối tiếp nhận khi cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin không nêu rõ tên, địa chỉ, số điện thoại của mình; hoặc nội dung thông tin cung cấp không có căn cứ rõ ràng; không xác định được nội dung vụ việc cụ thể đang xảy ra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; nội dung thông tin không liên quan đến thẩm quyền, phạm vi quản lý của Bộ Công Thương hoặc của các Bộ, ngành, địa phương.

Đối với quy trình tiếp nhận và trả lời thông tin, cán bộ trực Đường dây nóng sẽ ghi, nhận kịp thời, đầy đủ vào sổ nhật ký theo dõi Đường dây nóng về thời gian tiếp nhận, nội dung thông tin, số điện thoại và các dữ liệu khác liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin để có phản hồi, hướng dẫn, trả lời; sau đó chuyển thông tin tới đầu mối của các đơn vị có trách nhiệm xử lý thông tin. Đối với các nội dung liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành đã có Đường dây nóng: Cán bộ trực Đường dây nóng sẽ chuyển tới cơ quan, tổ chức, cá nhân số điện thoại Đường dây nóng của các Bộ, ngành liên quan và đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp liên hệ để được xử lý thông tin hoặc hướng dẫn, trả lời cụ thể. Đối với các nội dung liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành không có Đường dây nóng: Cán bộ trực Đường dây nóng sẽ ghi, nhận nội dung thông tin và chuyển cho các đơn vị thuộc Bộ Công Thương hoặc thuộc các Bộ, ngành khác có liên quan trong thời hạn không quá 02 giờ làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin để các đơn vị này xử lý thông tin hoặc hướng dẫn, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thủ trưởng các đơn vị tiếp nhận thông tin có trách nhiệm xử lý thông tin liên quan đến công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của đơn vị mình; phân công đầu mối chuyên trách của đơn vị thực hiện việc tiếp nhận, xử lý thông tin hoặc hướng dẫn, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương