Với việc Thủ tướng Anh Theresa May ký bức thư kích hoạt Điều 50, Hiệp ước Lisbon, chính thức khởi động tiến trình đưa quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), giới đầu tư toàn cầu một lần nữa đổ dồn sự chú ý vào những tác động đối với nước Anh và sự nhất thể hóa của EU. 

Tuy nhiên, không vì thế mà Brexit không ẩn chứa những rủi ro đối với các thị trường thế giới.

Mặc dù quá trình đàm phán giữa Anh và EU sẽ kéo dài trong 2 năm nhằm chấm dứt tư cách thành viên khối này của Anh trong suốt 44 năm qua, khung thời gian thực tế không còn nhiều.

Cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội sắp diễn ra tại Pháp đồng nghĩa với việc quốc gia này không thể tham gia quá trình đàm phán ít nhất cho tới tháng 9/2017. Tương tự, cuộc bầu cử tại Đức trong tháng 9 được dự báo sẽ có kết quả khó lường. Ít nhất cho tới tháng 11 khi chính phủ mới kiện toàn, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này mới có thể “toàn tâm toàn ý” dẫn dắt EU trong tiến trình đàm phán với Anh.

Bên cạnh các cuộc thảo luận về Điều 50 Hiệp ước Lisbon, Anh và EU cũng sẽ bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới.

Nước Anh từng nhiều lần tuyên bố họ muốn kiểm soát vấn nạn nhập cư bất hợp pháp và phản đối nguyên tắc tự do đi lại của EU. Vì thế, Anh muốn có quyền tài phán riêng đối với Tòa án Công lý châu Âu, cơ quan giám sát các luật lệ gắn liền với thị trường chung của khối. Anh cũng muốn thực thi một thỏa thuận thương mại riêng với EU, với Mỹ và cả Trung Quốc, đồng nghĩa “xứ sở sương mù” có khả năng sẽ ra khỏi Liên minh Hải quan châu Âu.

Tuy nhiên, Scotland, một quốc gia thuộc Liên hiệp Anh có xu hướng ủng hộ vai trò và vị thế của EU, đang bày tỏ nguyện vọng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai để tách khỏi Liên hiệp Anh. Bối cảnh hết sức nhạy cảm này khiến Anh khó có thể nhanh chóng thúc đẩy một thỏa thuận thương mại mới với EU trong 2 năm tới.

Hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chậm lại sau Brexit. Tuy nhiên, trên thực tế, điều giới đầu tư toàn cầu quan tâm nhất tại thời điểm này là những biến động trên thị trường tài chính Anh, tương quan giá trị đồng bảng Anh với USD và Euro sau khi Thủ tướng Anh khởi động Điều 50, Hiệp ước Lisbon.

Kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016, giá trị bảng Anh đã giảm tới 17% so với USD. Quá trình sụt giảm này chỉ ngừng lại khi các nhà giao dịch chờ đợi và quan sát những chi tiết đàm phán giữa Anh và EU sẽ diễn ra như thế nào.

Trên bình diện rộng hơn, tại Pháp, ứng cử viên chạy đua Tổng thống Marine Le Pen cũng đang vận động một chiến dịch “hoài nghi châu Âu” giống như Brexit. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump không ít lần thể hiện quan điểm phản đối các tổ chức đa phương như EU và sẵn sàng đề nghị Anh ký riêng một hiệp định thương mại song phương với nhiều điều khoản hào phóng.

Cuối cùng, Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao để xem liệu Anh vẫn là một đối tác thương mại hấp dẫn và tiềm năng hay không, một khi quốc gia này tăng hàng rào thuế quan với phần còn lại của châu Âu.

Tác động nhất định tới châu Á

Năm ngoái, tại thời điểm cuộc trưng cầu ý dân về tương lai của Anh trong EU diễn ra, thị trường tài chính toàn cầu từng chấn động khi kết quả cuối cùng được công bố.

Các thị trường cổ phiếu trồi sụt mạnh, đồng nội tệ một số nước châu Á như rupiah của Indonesia hay ringgit của Malaysia mất giá mạnh. Tuy nhiên, hiệu ứng tiêu cực này không kéo dài quá lâu và thị trường nhanh chóng phục hồi.

Ước tính, xuất khẩu của khu vực châu Á tới Anh chỉ chiếm dưới 1% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực. Do đó, trong ngắn hạn, giới phân tích nhận định, tác động trực tiếp từ sự kiện Brexit đối với châu Á là không lớn và không kéo dài, trừ khi nước Anh thực thi những chính sách kinh tế nội địa mới hoặc thay đổi môi trường đầu tư ra nước ngoài.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn