Trên hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote, một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất của Nhật Bản, hôm 30/4 vừa qua, đã chính thức bày bán chuối Việt Nam. Những nải chuối đang độ ngả vàng lần đầu “cập bến” đất nước mặt trời mọc.
Công ty VIENT (Nhật Bản) là đơn vị nhập khẩu chuối Việt Nam. Theo lãnh đạo VIENT, ngoài hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote tại Tokyo, chuối Việt Nam do VIENT nhập khẩu còn được bày bán tại một số các hệ thống siêu thị địa phương khác như Chalenger của tỉnh Niiggata, tại Saitama, Chiba…
Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản (VJBC), ông Đỗ Văn Dũng, hào hứng cho VnEconomy biết, đơn vị xuất khẩu chuối vào thị trường Nhật Bản là Công ty Huy Long An của lão nông Võ Quan Huy (tên gọi thân mật là Út Huy) - người đang là chủ vựa chuối có giá hàng triệu USD tại Long An. Sau một thời gian dài VJBC kết nối, xúc tiến đối tác giao thương, đơn hàng chuối đầu tiên của ông Út Huy đã đến được thị trường khó tính hàng đầu thế giới.
Lần xuất khẩu đầu tiên duy nhất là một container 40 fit, với khối lượng 1.080 thùng, mỗi thùng chứa khoảng 13,5 kg chuối, tương đương khoảng gần 15 tấn chuối. Tuy nhiên, do ở thời điểm xuất khẩu chuối đang khan hiếm nên không đủ cung cấp theo nhu cầu của đối tác Nhật.
“Phía mình đã cố gắng dành ra một container và phía các bạn Nhật Bản cũng gắng mua dù giá hơi cao chút với lý do là cơ sở để làm ăn lâu dài”, ông Dũng cho biết.
Nhật Bản là một thị trường khó tính nên chuối Việt Nam để xuất khẩu được vào đây cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe, từ thổ nhưỡng trồng chuối đến quy trình chọn giống, chăm bón đến thu hoạch, lựa chọn chuối (quả đều kích cỡ) đóng gói bao bì, vệ sinh thực phẩm, cách xếp trong container để chuối không bị va chạm, trầy xước…
“Cũng chính vì thị trường trái cây Nhật Bản khó tính nhất thế giới nên nếu ổn định được ở thị trường này thì có thể đi đến bất cứ nơi nào”, vị Chủ tịch VJBC nói.
Đó là chuyện của tương lai gần. Chủ tịch VJBC cho rằng, trước mắt chỉ cần đáp ứng tốt cho Nhật Bản thì chuối Việt Nam đã có một thị trường rộng lớn. Bởi thị trường Nhật Bản hiện rất tiềm năng, nhu cầu về chuối rất lớn. Do chuối có nhiều chất dinh dưỡng nên trung bình một người dân Nhật Bản một ngày ăn một trái chuối. Với dân số khoảng 100 triệu người thì nhu cầu chuối một ngày của Nhật Bản là vô cùng lớn.
Và, tất nhiên, khi đã có “tấm giấy thông hành” vào thị trường Nhật Bản, chuối Việt Nam sẽ rất dễ dàng tiếp cận với thị trường các nước khác trên thế giới.
Tại Nhật Bản, Philippines đang là quốc gia xuất khẩu chuối lớn nhất, khoảng trên 80%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường nội địa. Ngoài ra, một lợi thế khác, theo các đơn vị nhập khẩu chuối của Nhật Bản là, chất lượng chuối Việt Nam có vị ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản và có mức giá cạnh tranh hơn.
Nếu đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn từ phía đối tác nhập khẩu Nhật Bản chắc chắn cơ hội đối với chuối Việt Nam tại thị trường này là rất rộng mở.
Trên thực tế, thời điểm hiện tại, chuối Việt Nam không sợ thiếu cầu. Ông Đỗ Văn Dũng cho biết, ngay tại trong nước, các thương lái Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh thu gom chuối, mua rất nhiều. Thậm chí, các thương lái Trung Quốc không đặt ra nhiều về tiêu chuẩn và đẩy giá lên khá cao. Không ít bà con nông dân ở miền Nam đã chặt bỏ cây khác, nhất là cao su, để trồng chuối.
Ta hoàn toàn có thể bán cho Trung Quốc. Nhưng, theo ông Dũng, cũng như nhiều cây trái khác, như thanh long, vải… thương lái Trung Quốc bao giờ vào cũng thu mua rất nhiều nhưng năm sau đột ngột “thả” ra, thế là người nông dân nghiễm nhiên rơi vào thế khó, sản phẩm chuối cũng như các nông sản khác sẽ bị lao đao.
“Vì thế, khi giá xuất khẩu chuối vào Nhật Bản tương đối cao, khoảng 11 USD/thùng nhưng chúng tôi đã hết sức thuyết phục khách Nhật cố gắng mua để giữ mối và cùng cộng tác với nhau, để đưa kỹ thuật Nhật vào trồng nhằm cung cấp cho thị trường Nhật một cách ổn định”, Chủ tịch Đỗ Văn Dũng nói và cho biết, bây giờ nếu Trung Quốc không mua nữa thì mình vẫn có thị trường Nhật để bán.
“Phía xuất khẩu Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho container thứ hai, thứ ba, ban đầu cứ hai ba tuần một container. Đến lúc nào đó hai bên thuận lợi về mọi mặt thì sẽ nâng lên mỗi ngày một hoặc hai container, đây là kế hoạch đang được chúng tôi xúc tiến”, vị Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, cho biết.
Nguồn: Thủy Diệu/VnEconomy