Phát biểu tại Hội thảo Hiệp định CPTPP: Các cam kết cơ bản - những lưu ý cho DN, diễn ra ngày 22/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay: Ngày 8/3, Hiệp định CPTPP được ký kết là nhờ nỗ lực to lớn cũng như quyết tâm chính trị cao của tất cả nước còn lại, khi không còn Hoa Kỳ, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của Nhật Bản.

Hiện nay một số ý kiến cho rằng, Hiệp định CPTPP có tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây. Các nước thành viên đã thống nhất tạm hoãn một số nghĩa vụ quan trọng.

Đây là sự hiểu lầm lớn. Phần lớn nội dung quan trọng của Hiệp định TPP vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP. CPTPP vẫn là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, là sự khích lệ lớn với quá trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều trắc trở hiện nay.

“Với quyết tâm của nhiều nước, khả năng rất cao đầu năm 2019 Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực. Những cơ hội và thách thức từ Hiệp định CPTPP đã trở nên gần hơn bao giờ hết. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại không còn lớn như TPP nhưng đây vẫn là yếu tố quan trọng với tiến trình đổi mới thúc đẩy kinh tế, đặc biệt ảnh hưởng lớn tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, Thứ trưởng Khánh nói.

Xung quanh những nội dung cốt lõi của Hiệp định CPTPP, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho hay: Hiệp định CPTPP về cơ bản giữ nguyên cam kết về mở cửa thị trường như Hiệp định TPP trước đây. Tất cả quy định về hình thức cắt giảm, lộ trình cắt giảm, quy tắc xuất xứ, cam kết mở cửa thị tường mua sắm công hay dịch vụ thị trường đầu tư… đều được giữ nguyên.

Tuy nhiên, vì Hoa Kỳ rút khỏi TPP nên Hiệp định CPTPP có điều chỉnh linh hoạt trong một số lĩnh vực. Với các nghĩa vụ dỡ bỏ chính thức mà tất cả các nước cùng đồng ý thì đưa vào mục “tạm hoãn nghĩa vụ”. Việc tạm hoãn được áp dụng đến khi Hoa Kỳ trở lại. Nếu sau một khoảng thời gian, Hoa Kỳ chắc chắn không quay trở lại, các nước sẽ cùng bàn xem có tiếp tục tạm hoãn hay không.

“Có khoảng 20 nghĩa vụ như vậy. Trong nhóm đó, nội dung quan trọng nhất liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Lý do là bởi, để bảo hộ được quyền sở hữu trí tuệ phải có tiền, có nguồn lực. Khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, những ưu đãi về mở cửa thị trường bị giảm đi nên những yêu cầu thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng được gỡ bớt đi”, ông Thái nói.

Cũng theo ông Thái, với Việt Nam, liên quan đến Hiệp định CPTPP còn có thêm một số thư trao đổi riêng với các nước. Những lĩnh vực trước đây ở Hiệp định TPP, các nước đều nhận thấy Việt Nam có lợi nhất do có Hoa Kỳ, nay Hoa Kỳ rút ra thì Việt Nam được gỡ bớt những nghĩa vụ cao của hiệp định.

“Ví dụ, trong lĩnh vực lao động, Việt Nam về cơ bản có quyền tự quyết chủ động hơn trong lựa chọn chính sách. Trong 3 năm đầu Hiệp định CPTPP có hiêu lực, không có nước nào khiếu kiện Việt Nam trong vấn đề lao động. Một số nghĩa vụ đặc biệt trong lĩnh vực lao động, các nước cũng dành cho Việt Nam thời gian lâu hơn. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, các nước cũng dành khoảng thời gian nhất định không khiếu kiện với Việt Nam”, ông Thái làm rõ thêm.

Đứng từ góc độ phản ánh tiếng nói của cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Hiệp định CPTPP là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Thách thức trong thực thi Hiệp định CPTPP không hề nhỏ hơn so với Hiệp định TPP, thậm chí còn lớn hơn nhiều so với các Hiệp định thương mại tự do trước đây của Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã có những động thái mạnh mẽ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với chương trình mạch lạc, hành động cụ thể. Vấn đề đặt ra là làm sao để tất cả các cơ quan nhà nước và DN cùng vào cuộc nhằm cải cách hệ thống một cách thực chất, toàn diện, hiệu quả, góp phần tận dụng tốt nhất cơ hội mà Hiệp định CPTPP đem lại.

Nguồn: Baohaiquan.vn