TS Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) dự báo hậu quả này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các phân ngành chăn nuôi như lợn, gia cầm, bò thịt và sữa nếu như các ngành hàng không có sự đổi mới.
Ngành chăn nuôi được lợi gì khi Việt Nam gia nhập CPTPP, thưa ông?
- Khi CPTPP được thực thi, ngành chăn nuôi sẽ dễ dàng tiếp cận các công nghệ tiên tiến về giống, trang thiết bị cũng như kinh nghiệm quản lý, điều hành. Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi công nghệ cao sẽ nhiều hơn. Bởi, thị trường nông nghiệp của Việt Nam vẫn khá hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
CPTPP sẽ tạo ra thị trường lớn về thương mại, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị ở khu vực và trong nội khối thông qua các quốc gia dẫn đầu về sản xuất con giống, sữa và thiết bị chăn nuôi. Qua đó, cũng giúp Việt Nam hạn chế được sự phụ thuộc vào một khu vực hay một thị trường như trước đây. 

 

"Các doanh nghiệp và người chăn nuôi phải hiểu, phải biết kết nối để tận dụng lợi thế. Không chỉ hiểu luật chơi quốc tế mà còn hiểu về các thay đổi chính sách tương ứng để nắm bắt thông tin, có kế hoạch xây dựng phương ánh kinh doanh bài bản hơn trong tương lai”.
TS Nguyễn Thanh Sơn
Đặc biệt, tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI. Ngành chăn nuôi chịu sức ép buộc phải thúc đẩy nhanh đề án tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững.
Nhưng CPTPP cũng mang lại lắm thách thức?
- Thực tế, giá trị kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vượt nhiều lần so với xuất khẩu. Hàng năm, nước ta phải nhập tới 90% các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như: Khô dầu đậu tương, bột thịt xương, bột cá. Riêng khoáng vi lượng, vitamin nhập 100%. Gần 80% các loại vaccine được phép lưu hành tại Việt Nam được nhập từ 17 quốc gia.
Sản phẩm ngành chăn nuôi nước ta có giá thành cao, sức cạnh tranh thấp do phần lớn sản xuất quy mô nhỏ, năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào giống và thức ăn nhập khẩu. Các tồn tại về dịch bệnh, vệ sinh ATTP và ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết. Hậu quả, tốc độ tăng trưởng của ngành có thể sẽ chậm lại khi CPTPP được thực thi đầy đủ.
Tham gia CPTPP, các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn nữa ngay trên chính “sân nhà”. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Ông có thể chỉ rõ những điểm yếu của ngành chăn nuôi trong nước hiện nay?
- Việt Nam đứng vị trí thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) trong top 20 nước nuôi nhiều lợn nái nhất thế giới. Nhưng sản lượng thịt lợn sản xuất lại đứng thứ 6 sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Brazil, Nga. Năng suất sinh sản của đàn lợn nái của ta đứng vị trí cuối cùng trong top 20 nói trên. Năng suất lao động trong ngành chăn nuôi cũng thấp. Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 lao động, còn ở Việt Nam là trên 20 người.
Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa được xử lý triệt để. Số lượng nhà máy giết mổ hiện đại, đạt tiêu chí vệ sinh ATTP không nhiều, lại hoạt động cầm chừng do chi phí giết mổ cao, không cạnh tranh nổi với lò mổ thủ công.
Công nghệ chế biến bảo quản thịt sau giết mổ còn yếu, các phương tiện vận chuyển thịt sau giết mổ và các quầy bán thịt, sản phẩm chăn nuôi tại chợ đa số chưa đạt yêu cầu vệ sinh ATTP. Nguy cơ và rủi ro lớn nhất đối với ngành chăn nuôi nước ta là dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm...
Đâu là những thách thức mà ngành phải đối diện khi CPTPP thực thi?
- Sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ một số nước như Úc, Canada, Mexico, Malaysia có nguy cơ gia tăng khi thuế nhập khẩu giảm xuống 0% theo lộ trình của CPTPP. Hậu quả, nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân chăn nuôi Việt Nam bị ảnh hưởng trầm trọng.
Trong ngắn hạn, thói quen thích tiêu dùng thịt tươi, ấm hơn thịt đông lạnh của người Việt có thể làm chậm tác động CPTPP đối với các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, về lâu dài, khi thịt đông lạnh được chấp nhận rộng rãi, sản xuất trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi phải cạnh tranh với các sản phẩm thịt từ các nước CPTPP.
Ngành chăn nuôi nước ta cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh, ATTP của các nước. Nếu không, dù thuế suất nhập khẩu các thị trường này bằng 0% thì sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cũng không thể tiếp cận.
Vậy giải pháp nào để ngành hạn chế thách thức và tận dụng cơ hội?
- Tham gia CPTPP, nước ta rất cần cải cách mạnh mẽ các thể chế với cam kết hội nhập; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất, nhập khẩu giống, vật tư chăn nuôi; bãi bỏ quy định danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh.
Công tác quản lý ngành phải đổi mới từ kiểu hành chính, mệnh lệnh sang quản lý bằng luật hóa và tiêu chuẩn hóa; tăng cường hậu kiểm, nhất là trong lĩnh vực quản lý thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi. Tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao, hiện đại trong chăn nuôi nhằm tạo ra bước đột phá mới.
Cần rà soát một cách tổng thể quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với chế biến. Trên cơ sở rà soát lại quy hoạch chăn nuôi phù hợp với quy định của Luật Chăn nuôi đã được ban hành, cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết để phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Nguyên Vỹ/Dân Việt