Số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT vừa công bố cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đạt 12,18 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015 và xuất siêu gần 3,5 tỷ USD. Thế nhưng, theo báo cáo của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, sản xuất nông nghiệp của nước ta đang đối mặt với khó khăn rất lớn từ thiên tai. Đến nay, hạn hán và xâm mặn đã làm sản lượng lúa đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long giảm hơn 1 triệu tấn. Sản lượng tôm sú cũng giảm 12%, tôm thẻ chân trắng giảm 14%. Ngoài ra, một số diện tích cà phê chết khô, năng suất kém, năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu cũng đều giảm mạnh…
Dẫn lại số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình cụ thể của các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, các chuyên gia có mặt tại cuộc hội thảo đưa ra đánh giá, trong quý 1-2016 xuất khẩu nông sản Việt Nam mặc dù khởi sắc hơn hẳn cùng kỳ năm 2015 và đang trên đà phục hồi nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm. Các sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê đều giảm giá trị trên các thị trường lớn và truyền thống như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Nga… Hiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Philippines cũng giảm trong khi đây là hai thị trường quan trọng để tháo gỡ khó khăn về xuất khẩu lúa gạo trong năm ngoái. Riêng xuất khẩu đồ gỗ, hồ tiêu, hạt điều tăng khá nhưng chưa bù đắp được đà suy giảm.
Trước những diễn biến mới đầy khó khăn và không có nhiều triển vọng về nông sản xuất khẩu, chuyên gia dự báo nông nghiệp Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng từ nay đến cuối năm 2016, trong ngắn hạn ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải tập trung vào việc khắc phục thiên tai thiệt hại đồng thời tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh để thúc đẩy nguồn cung, trong đó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để có nguồn cầu thực sự chất lượng, ổn định thị trường tiêu thụ trong nước và đáp ứng các rào cản kỹ thuật của thị trường xuất khẩu.
Để nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cần phải bán được giá cao. Nhưng theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, trong trung hạn và dài hạn sẽ chưa có hy vọng các sản phẩm nông sản Việt Nam có đột phá hoặc thay đổi về giá cả theo hướng tăng lên. Giá một số mặt hàng có thể giữ nguyên hoặc giảm nhẹ. Vì vậy trong mục tiêu trung và dài hạn phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tái cơ cấu các ngành hàng. Trong đó, quan trọng là phải thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Chính doanh nghiệp là người sẽ kết nối nông dân với các nhà khoa học - ngân hàng tín dụng, đưa khoa học công nghệ vào để tạo cú đột phá về năng suất và chất lượng nông sản. Đây là điều kiện cơ bản để đảm bảo khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông sản Việt Nam đối với nông sản các nước có chung thị trường xuất khẩu. Những ngành hàng cần có chính sách đột phá về thu hút doanh nghiệp là cà phê, lúa gạo, hồ tiêu và thủy sản.
Còn theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, Việt Nam là một trong những nước hàng đầu về xuất khẩu nông sản nhưng giá trị thu về còn khiêm tốn. Hiện giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp khoảng 30 tỷ USD, trong khi doanh số của thế giới là 15.000 tỷ USD mỗi năm. Rõ ràng, tiềm năng phát triển nông nghiệp còn nhiều nhưng chúng ta chưa tận dụng được. Bên cạnh đó, năm 2015 là năm đánh dấu những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới khi hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký kết hiệp định song phương với các đối tác quan trọng gồm: Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu và Liên minh châu Âu là cơ hội để Việt Nam vươn lên so với các nước trong khu vực về xuất khẩu nông sản. Trong tình thế khó khăn nhất thì chúng ta vẫn phải nghĩ đến cơ hội của TPP và biến nó thành hiện thực.
Các chuyên gia có mặt tại buổi hội thảo cũng bàn nhiều về việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là việc chúng ta ký kết các hiệp định thương mại song phương sẽ là cơ hội để nông sản Việt Nam “xuất ngoại” nhiều hơn nhưng bên cạnh đó, cần tập trung tháo bỏ các rào cản kỹ thuật và đẩy mạnh kiểm soát chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để đủ sức cạnh tranh gay gắt với nông sản của các nước tham gia ký kết… Ông Jong Ha Bae, Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc tại Việt Nam khuyên Việt Nam phải tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để tiếp cận thị trường song hành việc tăng đầu tư vào hạ tầng nông thôn, xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cho sản phẩm có thế mạnh… để cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao khả năng chủ động thích ứng cho nông dân trong bối cảnh hội nhập.

Nguồn: Văn Phúc/sggp.org.vn