Hiện nay, Ngân hàng Trung ương Anh dự báo tỷ lệ lạm phát tại Anh vào khoảng 2% trong năm 2017. Tuy nhiên với việc FED tăng lãi suất và đồng bảng Anh vẫn mất giá do các diễn biến xung quanh Brexit (dao động trong khoảng quy đổi 1.25 tới 1.30 khi đổi 1 bảng Anh ra 1 USD) thì tại Anh, các nhà phân tích kỳ vọng mức lạm phát tại Anh trong năm nay có thể vượt qua mức 2%. Do vậy rất khó để tại Anh xảy ra kịch bản điều chỉnh tăng mức lãi suất do các quan ngại về ảnh hưởng tác động tới việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Theo các đánh giá, phân tích từ các ngân hàng, chuyên gia tại Anh thì việc FED tăng lãi suất có thể hoặc không ảnh hưởng tới kinh tế Anh theo các khía cạnh:

- Về các khoản vay nợ: Đối với người dân Anh đang có các khoản nợ hoặc vay mượn trả sau thì việc FED tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng cực ít. Nguyên nhân tuy FED tăng lãi suất nhưng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ không phải chịu áp lực tương tự, nhất là trong bối cảnh sau Brexit Chính phủ Anh đã đưa ra mức lãi suất trần (0,25%) cũng như gói hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tác động do đồng bảng Anh mất giá. Dự báo trong năm 2017 thì mức lãi suất tại Anh vẫn giữ nguyên mặc dù đây đang là mức thấp kỷ lục.

- Đối với tỷ giá ngoại hối: Việc FED nâng mức lãi suất có thể phần nào ảnh hưởng tới đồng bảng Anh do mức lãi suất tăng thì các nhà đầu tư sẽ thu lại được nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên việc này cần phải được kiểm chứng qua các thành quả cũng như tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới và nếu thật sự nền kinh tế Mỹ có những tăng trưởng, đồng USD tăng giá thì đồng bảng Anh vẫn sẽ ở mức thấp so với đồng USD như thời gian vừa qua (mức giảm kỷ lục là 14%). Tuy nhiên theo góc nhìn khác thì các nhà phân tích nhận định rằng đó sẽ là lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Anh do cạnh tranh về giá giảm.

Cho tới nay Chính phủ Anh vẫn giữ nguyên các chính sách so với trước khi FED tăng lãi suất. Nguyên nhân là do đồng bảng Anh đã từng xuống thấp tới mức kỷ lục cũng như hiện nay việc giải quyết Brexit mới là then chốt khi ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội trực tiếp tại Anh. Trong thời gian tới, cụ thể là năm 2017 thì Chính phủ Anh chưa có kế hoạch thay đổi mức lãi suất hiện tại (tuy nhiên kết quả của cuộc bầu cử sắp tới đây vào ngày 8/6 sẽ có thể thay đổi theo chiều hướng khác tùy thuộc Đảng nào sẽ cầm quyền), qua đó thì chính sách, điều kiện, môi trường xuất khẩu tại Anh vẫn không có thay đổi gì so với thời gian gần đây.

Nhằm đánh giá tác động của việc FED điều chỉnh lãi suất tới xuất khẩu của Việt Nam sang Anh thì cần xem xét qua trao đổi thương mại giữa Anh và Việt Nam trong thời gian gần đây.

Số liệu XNK 4T 2017 Việt Nam - Anh

 

4T 2016

4T 2017

Tăng/Giảm (%) so với 4T 2016

Nhập khẩu

1.589,3

1.437,1

-9,6

Xuất khẩu

209,4

212,2

1,3

Nguồn: Tổng cục HQ VN. Đơn vị: triệu USD

Qua số liệu có thể thấy 4T đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu sang Anh sụt giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2016, với giá trị tương đương khoảng gần 160 triệu USD trị giá xuất khẩu. Tuy nhiên việc suy giảm này chủ yếu là do nhóm hàng điện tử, điện thoại sụt giảm khi riêng mặt hàng điện thoại trong 4T đầu 2017 có kim ngạch giảm khoảng hơn 150 triệu USD so với cùng kỳ 2016.

Hiện nay, còn quá sớm để có thể đánh giá, nhìn nhận lần điều chỉnh lãi suất gần nhất của FED có gây ra ảnh hưởng gì tới khả năng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh hay không nhưng với những diễn biến từ năm 2015 cho tới nay (2 lần FED điều chỉnh lãi suất) thì việc xuất khẩu của Việt Nam sang Anh vẫn có những tín hiệu đáng mừng qua trị giá xuất khẩu vẫn đều đặn tăng trưởng. Trong bối cảnh Brexit cũng như đồng bảng mất giá thì cơ hội dành cho hàng hóa Việt Nam là rất nhiều vì giá cả cạnh tranh cũng như doanh nghiệp Anh hiện nay và thời gian tới sẽ tìm kiếm, mở rộng quan hệ với các đối tại tại châu Á.

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh/vietnamexport.com