Phát biểu tại diễn đàn kinh tế tư nhân, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho hay, thành tựu lớn nhất của hai mươi năm hội nhập là chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, nền sản xuất tự túc, bảo hộ sang nền kinh tế mở, trên nền của hệ thống quy tắc đa biên; xuất khẩu tăng 30 lần, GDP 10 lần, GDP đầu người 8 lần.
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng: “Không hội nhập ta không thấy cái yếu của chính mình. Càng hội nhập, yếu kém càng bộc lộ, đòi hỏi nghiêm khắc với bản thân, chủ động cải cách, liên tục hoàn thiện thể chế, khắc phục yếu kém”.
Cũng theo ông Vũ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ý thức rõ ràng hội nhập có nhiều tích cực song doanh nghiệp Việt Nam hội nhập trong thế yếu vì đa số còn non trẻ, yếu về nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị cũng như năng suất lao động thấp, thương hiệu chưa có...
Do vậy, hội nhập là vận hội của quốc gia nếu vận dụng hữu hiệu, là nguy cơ tụt hậu hơn nữa nếu mải mê với thành tựu. Hội nhập đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp phải liên tục cải cách, liên tục hoàn thiện.
Ông Vũ đưa ra 5 kiến nghị đối với Chính phủ:
- Thứ nhất, Chính phủ liên tục cải cách với thước đo cụ thể như nâng thứ hạng năng lực cạnh tranh trên bản đồ thế giới, nâng cao chỉ số đào tạo và giáo dục quốc gia, thứ hạng môi trường kinh doanh hấp dẫn, đặt mục tiêu mỗi năm tăng vài ba bậc trong bảng tổng sắp thế giới;
- Thứ hai, cần liên tục cải thiện về nhận thức, văn hóa, chuẩn mực hành chính công, đối xử minh bạch, cởi mở với doanh nghiệp tư nhân, xóa bất cập, bât lợi vì doanh nghiệp;
- Thứ ba, chủ động nâng cao năng lực quản trị của chính quyền, nhân tố chủ đạo để kinh tế phát triển.
- Thứ tư, tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp vận dụng cơ chế của hệ thống thương mại đa biên như chống bán phá giá, các biện pháp kỹ thuật, các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế, khu vực; nâng cao năng lực chống chuyền giá, trốn thuế, thôn tính, cạnh tranh không lành mạnh;
- Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả trong thực hành ‘một điểm dừng’, đăng ký kinh doanh, thông quan, khai thuế, xúc tiến thương mại và đầu tư (chú trọng đầu tư trong nước), hoạch định và thực thi hữu hiệu hơn chính sách an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn môi trường… để dịch vụ công và quản trị kinh doanh đuổi kịp và đi trước yêu cầu phát triển.
Nguồn: K.L/cafebiz.vn, Trí Thức Trẻ