Người nuôi còn thiệt thòi

Nhìn lại chặng đường 10 năm gần đây, thị trường cá tra đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trong chuỗi giá trị. Theo PGS.TS. Nguyễn Phú Son, Trung tâm Chuyển giao công nghệ - Đại học Cần Thơ, nếu giai đoạn 2005-2007, có đến gần 20% lượng cá tra nguyên liệu của người nuôi được bán cho thương lái thì đến giai đoạn 2010-2012, con số này chỉ còn chưa tới 4%.

Nguyên nhân các DN chuyển từ thu mua qua thương lái sang thu mua trực tiếp nhằm đảm bảo tiêu chuẩn nước nhập khẩu, đặc biệt là để kiểm soát dư lượng kháng sinh của nguồn cá tra nguyên liệu được cung cấp từ các hộ nuôi. Để chủ động nguồn nguyên liệu, nhiều DN xuất khẩu cá tra còn tự tạo vùng nuôi. Đến nay, các DN có thể đảm đương được 70-80% nguồn nguyên liệu, còn lại do một số nhân viên của DN tự bỏ vốn nuôi hoặc liên kết với hộ nuôi.

Những năm gần đây, một số DN bắt đầu tham gia cung cấp sản phẩm đầu vào (thức ăn, thuốc thủy sản) thông qua các hợp đồng liên kết với các hộ nuôi hoặc hợp tác xã (HTX). Sự thay đổi này nhằm mục đích quản lý và kiểm soát được nguồn nguyên liệu cá tra đầu vào cho khâu chế biến, cả về số lượng và chất lượng.

Thông qua chức năng này, các DN cũng có thể tạo thêm lợi nhuận từ việc cung cấp các sản phẩm đầu vào cho người nuôi. Ngược lại, người nuôi cũng có thêm nguồn tín dụng khác phục vụ cho hoạt động sản xuất. Điển hình cho cách làm này là chuỗi liên kết của Công ty TNHH TM-DV Thuận An, được hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, diện tích này chưa nhiều.

Những thay đổi trong chuỗi giá trị cá tra khiến một số hộ nuôi riêng lẻ rời khỏi ngành, một số liên kết với DN hoặc nuôi phục vụ thị trường nội địa. Người nuôi cũng ý thức hơn về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do giá cá nguyên liệu liên tục sụt giảm, tình trạng DN nợ nần, không thanh toán tiền cá cho hộ nuôi khiến nhiều hộ gặp khó khăn, diện tích nuôi sụt giảm.

Giải quyết những lỗ hổng

Cùng nghiên cứu với PGS.TS. Nguyễn Phú Son, Ths. Lê Thị Thanh Hiếu, Khoa Kinh tế - Trường cao đẳng Cần Thơ, cho rằng, lỗ hổng đầu tiên phải kể đến là ở khâu thương mại trong chuỗi giá trị. “Cá tra Việt Nam một mình, một chợ nhưng vẫn bị ép giá là do chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu chung cho sản phẩm cá tra trên thương trường quốc tế dù đã được nhắc đến từ lâu. Mỗi khi điều này chưa được khai thông thì việc tạo mối liên kết ngang giữa các DN chế biến xuất khẩu chưa được thực thi, giá xuất khẩu luôn ở trong trạng thái “hên, xui”. Do thiếu vắng vai trò “người nhạc trưởng” nên dù có Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cá tra nhưng vẫn chưa có được tiếng nói chung” – Ths. Hiếu phân tích.

Lỗ hổng thứ hai, theo TS. Son và Ths. Hiếu, là do các DN chế biến xuất khẩu chưa đi theo chiến lược tối đa hóa lợi nhuận trong dài hạn, theo triết lý kinh tế “lợi nhuận trên số đông”. Điều này đã dẫn đến tình trạng vô tình tự tạo ra một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo trên thương trường quốc tế - nhiều người bán, ít người mua, dẫn đến tình trạng bị ép giá.

Lỗ hổng tiếp theo xảy ra trong khâu nuôi. Do diện tích nuôi của các hộ nuôi riêng lẻ còn nhỏ lẻ, dẫn đến giá thành sản xuất cao. Một lỗ hổng khác là khâu cung con giống đầu vào. Hầu như người nuôi sử dụng con giống nuôi mà không hiểu rõ được nguồn gốc nên tỷ lệ sống thấp, giá thành sản xuất cao. “Tóm lại, tất cả các khâu trong chuỗi giá trị đều xảy ra những lỗ hổng làm giảm lợi nhuận của toàn chuỗi, ảnh hưởng lâu dài đến ngành sản xuất cá tra” – TS. Son nhấn mạnh.

Để nâng chuỗi giá trị cá tra, 2 nhà nghiên cứu trên cho rằng, Trung ương cần hỗ trợ thành lập một tổ chức chuyên nghiệp trong việc dự báo và xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh cá tra cho toàn vùng ĐBSCL theo nhu cầu thị trường, nghiên cứu chiến lược xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm cá tra của quốc gia. Trên cơ sở đó, các tỉnh có nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra trong vùng ngồi lại với nhau, lập chiến lược kinh doanh dài hạn.

“Nhà nước và các DN chế biến xuất khẩu cá tra dựa trên cơ sở hợp tác công-tư nên nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ sản phẩm cá tra để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Nên xây dựng các HTX theo đúng ý nghĩa kinh tế (tự nguyện, có động lực và nhận thức kinh doanh theo hướng tối đa hóa lợi nhuận trong dài hạn) hơn là chạy theo số lượng HTX có được. Đồng thời, cần tập huấn, nâng cao năng lực thị trường cho các hộ nuôi và các tổ chức kinh tế hợp tác, bên cạnh với việc nâng cao năng lực sản xuất. Đối với vùng sản xuất cá tra lớn như An Giang, cần tăng cường đầu tư khâu sản xuất con giống sạch bệnh để cung cấp cho các hộ nuôi, DN trong tỉnh. Sau đó là cung cấp cho các tỉnh lân cận” - Ths. Hiếu đề xuất.

Nguồn: chebien.gov.vn