1. Khi lần trước gặp nhau tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 21 tháng 5 năm 2017, các Bộ trưởng của Ốt-xtrây-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lay-xia, Mê-hi-cô, Niu-Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam đã tái khẳng định về kết quả cân bằng, ý nghĩa kinh tế và chiến lược của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tại Auckland vào ngày 04 tháng 02 năm 2016 (sau đây được gọi tắt là “TPP”). Các Bộ trưởng đã nhấn mạnh rằng các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP là phương thức thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đóng góp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo ra cơ hội mới cho những người công nhân, các hộ gia đình, các nông dân, thương nhân và người tiêu dùng. 
2. Vào tháng 5, các Bộ trưởng đã giao cấp kỹ thuật thảo luận để tìm cách nhanh chóng đưa Hiệp định TPP vào thực thi. Trong các tháng vừa qua, các nhà đàm phán đã nỗ lực làm việc nhằm đạt được một kết quả cân bằng duy trì được những lợi ích quan trọng của Hiệp định TPP. 
3. Các Bộ trưởng vui mừng thông báo rằng các nước TPP đã đạt được thỏa thuận đối với các nhân tố cốt lõi của HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (gọi tắt là Hiệp định CPTPP). Các Bộ trưởng cũng đồng ý đối với Phụ lục I và Phụ lục II (được đính kèm theo Tuyên bố). Hai Phụ lục này tích hợp tất cả các điều khoản của Hiệp định TPP ngoại trừ một số ít điều khoản được tạm hoãn thực thi. Lời văn của các Phụ lục cũng bao gồm một danh mục gồm 4 vấn đề cụ thể mà các nước đã đạt được tiến bộ quan trọng nhưng vẫn cần thêm sự đồng thuận trước khi ký kết. 
4. Các Bộ trưởng nhất trí rằng Hiệp định CPTPP phải duy trì các tiêu chuẩn cao, sự cân bằng tổng thể và bảo đảm sự nguyên vẹn của Hiệp định TPP trong khi vẫn bảo đảm lợi ích thương mại cũng như các lợi ích khác của tất cả các nước tham gia. Hiệp định này cũng cần bảo đảm quyền cơ bản của các nước tham gia trong việc điều hành chính sách, trong đó có sự linh hoạt dành cho họ khi thiết lập các ưu tiên về mặt pháp luật và chính sách của mình. Các Bộ trưởng cũng khẳng định mỗi nước tham gia có quyền bảo tồn, phát triển và thực thi các chính sách về văn hóa. Các Bộ trưởng cho rằng Hiệp định CPTPP cần phản ánh mong muốn của các nước tham gia trong việc thực thi kết quả mà họ đã đạt được với nhau trong khuôn khổ Hiệp định TPP. 
5. Các Bộ trưởng xác nhận rằng văn kiện pháp lý của Hiệp định CPTPP cho phép các nước tham gia được hành động dứt khoát và kịp thời trong việc thúc đẩy các mục tiêu mà họ cùng chia sẻ. Các Bộ trưởng tái khẳng định rằng Hiệp định CPTPP thể hiện cam kết vững chắc của họ đối với việc mở cửa thị trường, đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. 
6. Liên quan đến Điều 6 của Hiệp định CPTPP, các Bộ trưởng đồng ý rằng phạm vi của việc rà soát có thể mở rộng tới những đề xuất sửa đổi Hiệp định CPTPP để phản ánh các bối cảnh liên quan đến tình trạng của Hiệp định TPP. 
7. Thêm vào đó, các Bộ trưởng quyết định rằng tất cả các thư song phương được ký kết giữa 11 nước TPP với nhau về nguyên tắc sẽ được tiếp tục duy trì trừ khi các Bên liên quan có quyết định khác. 
8. Các Bộ trưởng giao các nhà đàm phán tiếp tục triển khai các công việc kỹ thuật, cả kể việc tiếp tục hoàn tất các vấn đề chưa đạt được đồng thuận cũng như rà soát pháp lý lời văn bằng tiếng Anh và các bản dịch, nhằm chuẩn bị lời văn cuối cùng cho việc ký kết.
 9. Các Bộ trưởng thừa nhận rằng mỗi nước sẽ cần tuân thủ các quy trình trong nước của mình, bao gồm cả việc tham vấn công chúng, trước thời điểm ký kết.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương