Giống như các nước Tây Âu khác, tập quán và thói quen tiêu dùng của người Thụy Điển vẫn là các sản phẩm có nguồn gốc từ lúa mỳ, khoai tây và ngũ cốc. Theo thống kê của Phòng Thương mại Thụy Điển cho thấy tiêu thụ gạo bình quân đầu người trong 1 năm ở Thụy Điển vẫn còn ở mức khiêm tốn, dao động từ 5,2 đến 5,5 kg.  Tiêu thụ gạo được chia làm 03 loại: tiêu dùng trực tiếp, làm thức ăn gia súc và làm nguyên liệu đầu vào để chế biến thực phẩm. Tuy nhiên đối với Thụy Điển đa phần gạo nhập khẩu đều được dành cho tiêu dùng trực tiếp và so với các nước Châu Âu khác thì mức tiêu dùng của Thụy Điển đối với mặt hàng gạo là trung bình.

Theo thống kê của Thụy Điển, năm 2016 Thụy Điển nhập khẩu tổng số hơn 695 triệu Cua ron Thụy Điển gạo các loại từ các nước thuộc khu vực Châu Á như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.

Kênh nhập khẩu, phân phối

Tại Thụy Điển và khu vực Bắc Âu có 2 hình thức nhập khẩu gạo phổ biến là: nhập gạo đã được xay xát và nhập gạo thô/ chưa xay xát và đóng bao bì đứng tên thương hiệu của doanh nghiệp sở tại. Các kênh nhập khẩu gạo bao gồm cả nhập khẩu trực tiếp và nhập khẩu qua trung gian từ các nước ở trung tâm Châu Âu như Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ và Italia.

Xuất khẩu gạo của ta vào Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng còn  hạn chế về kim ngạch và chủng loại (Loại gạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong năm 2016 của ta xuất vào thị trường này là loại gạo hạt dài mã HS: 10063098, chiếm gần 60%, đạt 806.000 Kronar) và một kênh nhập khẩu quan trọng là các nhà kinh doanh bán lẻ thực phẩm Châu Á.

Thuế nhập khẩu:

Là thành viên đầy đủ của EU, cũng là thành viên của liên minh thuế quan EU, Thụy Điển thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ nghĩa vụ thuế quan và các rào cản thương mại như các thành viên khác của liên minh. Dải thuế nhập khẩu tuyệt đối vào khu vực EU đối với mặt hàng gạo của  Việt Nam dao động từ mức 286,51 SEK/tấn đến 1.671,34 SEK/tấn. Hiện tại, mặt hàng này không nằm trong danh mục được hưởng quy chế GSP của EU dành cho Việt Nam nên không được hưởng ưu đãi thuế.

Để xem chi tiết từng dòng thuế cho từng loại sản phẩm thủy sản nên sử dụng mã số hải quan để truy cập và tra cứu dòng thuế thông qua hệ thống HS (Harmonised System). www.tullverket.se

Trách nhiệm của nhà xuất khẩu là đảm bảo các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển. Điều quan trọng nhất là lô hàng phải đảm bảo được các quy định về xuất xứ hàng hóa trước khi việc thông quan nhâp khẩu được thông qua.

 Các tiêu chuẩn và yêu cầu về bao bì, đóng gói:

Vì Thụy Điển là thành viên EU nên các quy định của EU sẽ được áp dụng đối với việc đóng gói và ghi nhãn mác. Quy định quan trọng nhất mà tất cả các sản phẩm phải đáp ứng đó là việc ghi “thời hạn sử dụng” bên ngoài bao bì của sản phẩm và mọi thông tin về sản phẩm phải được ghi bằng tiếng Thụy Điển. Ngoài ra còn có các quy định về thông tin cần được in ra ngoài bao bì như thành phần, trọng lượng, chất phụ gia. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Thụy Điển (Swedish Consumer Agency) có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện các yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa.

Thụy Điển đã ban hành danh mục các chất phụ gia thực phẩm “được phép” và điều này cũng đồng nghĩa những chất nằm ngoài danh mục này hoàn toàn bị cấm.

Vệ sinh an toàn thực phẩm:

Các nhà nhập khẩu thực phẩm vào Thụy Điển phải đăng ký với Cơ quan thực phẩm Quốc gia ( National Food Administration). Những nhà nhập khẩu đã đăng ký này mới có đủ kinh nghiệm và kiến thức để tư vấn cho những nhà xuất khẩu những quy định nhập khẩu hiện hành có liên quan đến chất lượng sản phẩm, bao bì và đóng gói.

Để sản phẩm gạo thâm nhập được vào Thụy Điển, nhà nhập khẩu phải đăng ký xin giấy phép nhập khẩu gạo tại cơ quan quản lý nông nghiệp Thụy Điển (Board of Agriculture), đáp ứng đầu đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của cả EU và các yêu cầu khác của Thụy Điển.

  Theo quy định của EU, hàng thực phẩm muốn vào thị trường này phải đáp ứng được 5 nguyên tắc sau:

  - Độ an toàn: Sản phẩm đó có hại cho sức khỏe con người không? Có phù hợp cho con người tiêu dùng hay không?

- Trách nhiệm: Những người kinh doanh ngành hàng thực phẩm trong đó có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm mà mình kinh doanh đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của EU mọi lúc, nếu không sản phẩm đó sẽ bị thu hồi. Ví dụ như EU cấm nhập khẩu nếu phát hiện gạo bị nhiễm kim loại ( ký hiệu Cd). Điều đó cho thấy những nhà nhập khẩu EU có trách nhiệm đảm bảo việc sử dụng hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật một cách phù hợp.

- Truy xuất nguồn gốc: Là khả năng truy tìm nguồn gốc sản phẩm thông qua các chuỗi quy trình từ sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm. Điều này đòi hỏi những nhà xuất khẩu gạo cần chuẩn bị ghi chú, báo cáo toàn bộ quá trình sản xuất ra sản phẩm nhằm cung cấp cho các nhà nhập khẩu EU khi họ yêu cầu.

-Quy tắc phòng ngừa: Cục an toàn vệ sinh thực phẩm EU (EFSA) là cơ quan chuyên môn, tư vấn khoa học cho EU trong việc thực thi chính sách liên quan đến rủi ro mà thực phẩm đem lại. Trong trường hợp mà một sản phẩm thực phẩm nào đó bị EFSA liệt vào dạng ”rủi ro tiềm tàng” thì ngay lập tức EU sẽ hành động mà không cần phải có chứng cứ khoa học rõ ràng. Với quy tắc này thì rõ ràng những nhà xuất khẩu gạo sẽ không thể nào chắc chắn rằng sản phẩm của mình luôn luôn có mặt tại thị trường EU. Thụy Điển áp dụng hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (EU’s rapid alert system for food & feed/RASFF) để thông báo nhanh các trường hợp rủi ro trong phạm vi toàn EU.

- Giao diện sản phẩm: Để đảm bảo người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm, quy định về bao bì, đóng gói phải được đảm bảo.

Người tiêu dùng Thụy Điển có yêu cầu khá cao không chỉ đối với sản phẩm cuối cùng mà họ tiêu dùng mà còn cả các điều kiện của chuỗi cung ứng sản phẩm. Do đó mà ngoài các yêu cầu của EU, thì Thụy Điển còn có thêm những yêu cầu không bắt buộc khác và được chia thành 5 nhóm như: Chứng nhận Eco, trách nhiệm doanh nghiệp, mã hóa sản phẩm, quản lý chất lượng và kiểm soát môi trường.

Những đề xuất thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam vào Thụy Điển:

Thực tế cho thấy nhu cầu tiêu dùng khu vực thị trường này còn nhỏ bé so với các quốc gia ở khu vực trung tâm Châu Âu, chủ yếu là do tiêu dùng sản phẩm truyền thống từ lúa mỳ, ngũ cốc, và nông nghiệp chăn nuôi ít đầu tư phát triển. Tuy nhiên, có thể nói Bắc Âu vẫn là khu vực thị trường tiềm năng đối với gạo của Việt Nam nếu sản phẩm của ta được hưởng ưu đãi thương mại trong tiếp cận thị trường, và đáp ứng được xu thế tiêu dùng và các đặc điểm thị hiếu nêu trên. Để góp phần thúc đẩy việc xuất khẩu gạo vào thị trường Thụy Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung, trong thời gian tới ta cũng cần chú trọng hơn nữa tới các biện pháp hỗ trợ về mặt chính sách và xúc tiến thương mại, cụ thể là:

- Vận động, thúc đẩy việc thông qua Hiệp định thương mại tự do với khối EU và khối EFTA bao gồm các nước Bắc Âu hiện là thành viên, trong có quy định dành đối xử ữu đãi hơn đối với các chủng loại mặt hàng gạo của Việt Nam khi tiếp cận thị trường các nước thuộc 2 khối này.

- Tăng cường thực hiện chương trình xúc tiến thương mại gạo cho khu vực thị trường Bắc Âu, bao gồm tổ chức các đoàn đi gặp gỡ và trao đổi với các cơ quan và đại diện doanh nghiệp nước sở tại, và nếu phù hợp sẽ kết hợp tham gia hội chợ hàng thực phẩm liên quan;

- Tập hợp cung cấp thông tin cho các Thương vụ về giới thiệu tiềm năng sản xuất xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong đó có danh mục liên hệ cụ thể của các doanh nghiệp và giới thiệu các sản phẩm gạo tương ứng.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương