Phụ trợ ngành may chưa đáp ứng nhu cầu theo chuỗi
Theo ông Nguyễn Văn Hữu- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong những tháng qua xuất khẩu ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng ổn định đạt 2.463 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy vậy, tiềm năng của ngành dệt may còn rất lớn, bởi hiện nay ngành dệt may cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng chủ yếu là hoạt động gia công xuất khẩu (chiếm trên 90%), chỉ tham gia vào phần thứ 3 trong chuỗi cung ứng dệt may (như cắt và may) là công đoạn tạo giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành. Trong đó, các khâu thiết kế, marketing và phân phối sản phẩm thường tạo ra giá trị gia tăng cao thì phần lớn doanh nghiệp (DN) dệt may hiện nay còn hạn chế và yếu kém.
Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may còn nhiều hạn chế, hiện có khoảng 250 DN hoạt động tại Bình Dương, cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành may, có thể kể đến như Công ty Việt Kim San, Công ty TNHH Giai Mỹ, Công ty TNHH Nhuận Ích… Tuy vậy đa phần nguồn phụ liệu này đều được nhập khẩu về rồi cung cấp lại cho các DN may mặc.
Theo ông Hữu, năng suất lao động ngành dệt may và giá trị gia tăng của sản phẩm do các DN trong nước sản xuất ra hiện còn rất thấp, chỉ bằng 1/4 so với Trung Quốc; 1/8 so với Hàn Quốc và 85% của Thái Lan. Đây là thách thức không nhỏ đối với DN ngành dệt may, vì ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm khi sức ép chi phí nhân công ngày càng tăng.
Hợp tác, liên kết theo chuỗi để phát triển
Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương cho biết, hiện ngành kéo sợi của các DN trong nước đang phải nhập khẩu bông từ Mỹ, (chiếm tới 60% tổng nhu cầu). Trong khi đó, diện tích trồng bông ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng thu hẹp, chỉ đáp ứng 0,04% trong tổng nhu cầu của toàn ngành. Theo ông Phoa, việc tổ chức Ngày hội COTTON DAY vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh là cơ hội để ngành bông của các DN Mỹ đánh giá tiềm năng, tầm quan trọng của ngành kéo sợi Việt Nam. Có thể nói, đây là cơ hội tốt cho ngành nguyên phụ liệu dệt may, có thêm nguồn nguyên liệu tại chỗ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngành dệt may trong cả nước nói chung.
Theo các chuyên gia, ngành dệt may cần chủ động hơn trong việc làm gia tăng giá trị của sản phẩm, tăng năng suất lao động… tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Để làm được điều đó, việc liên kết, hợp tác với các DN cung cấp phụ trợ ngành dệt may cần phát huy tối đa.
Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty May mặc Quốc tế, để có mối liên kết cần đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng cho ngành dệt may. Trong đó, phải tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất hàng may mặc với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, để giảm giá thành sản xuất.
Để có được thế cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế các DN dệt may phải chủ động liên kết tạo thành một dây chuyền khép kín, từ việc cung cấp nguyên phụ liệu đến thành phẩm và xuất khẩu. Các DN cần tập trung vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu, may, marketing và phân phối sản phẩm; chuyển từ gia công xuất khẩu sang xuất khẩu trực tiếp.
Theo ông Nguyễn Văn Hữu- Phó Giám đốc Sở Công Thương, để triển khai chuỗi hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là ngành dệt may hàng năm UBND tỉnh đều ban hành Chương trình hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện để DN mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước. Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội thảo, giao lưu giữa các DN tạo mối liết kết và đối thoại các hiệp hội ngành hàng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho DN trong năm.
Nguồn: Lê Cương/Báo Công Thương điện tử