Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ cho thấy, kết thúc năm 2017 Việt Nam đã nhập khẩu 4,6 triệu tấn, kim ngạch 1,2 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 9,3% về kim ngạch so với năm 2016. Giá nhập bình quân giảm 1,31%, xuống còn 264,85 USD/tấn. Trong khi đó xuất khẩu chỉ đạt 930,4 nghìn tấn, kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 24,7% về lượng và tăng 25,8% về kim ngạch. Giá xuất bình quân đạt 278,7 USD/tấn, tăng 4,4%.

Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu 3,7 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch 965,9 triệu USD, tăng 7,7% về lượng và tăng 5,5% về kim ngạch so với năm trước.
Về thị trường nhập khẩu, từ lâu Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu phân bón chủ lực của Việt Nam, năm 2017 lượng phân bón xuất xứ từ thị trường Trung Quốc chiếm tới 42% thị phần, đạt 1,8 triệu tấn kim ngạch 457,1 triệu USD, nhưng so với năm 2016 mức độ nhập từ thị trường này giảm nhẹ cả lượng và kim ngạch, giảm lần lượt 4,7% và 2,38%.
Thị trường nhập nhiều đứng thứ hai là Nga đạt 536,7 nghìn tấn, kim ngạch 161,4 triệu USD, tăng 49,29% về lượng và 35,08% về kim ngạch, kế đến là các thị trường như Nhật Bản, Belarus, Indonesia, Lào….
Điểm nổi bật của ngành phân bón năm 2017 là mức độ nhập từ thị trường truyền thống đã hoán đổi, thay vào đó tăng nhập khẩu từ các thị trường khác như Philippines, Đức với lượng nhập tăng gấp hơn 2 lần mỗi thị trường, giá nhập bình quân giảm tương ứng 2,675 (380,71 USD/tấn) và 11,86% (430,06 USD/tấn).
Đặc biệt, nhập khẩu từ thị trường Mỹ có giá nhập bình quân cao nhất 1.351,13 USD/tấn, nhưng cũng là thị trường có giá giảm mạnh nhất 37,28%.
Cơ cấu thị trường nhập khẩu phân bón năm qua có thêm thị trường Saudi Arabia tuy lượng nhập chỉ đạt 2,9 nghìn tấn, kim ngạch 765,7 nghìn USD.
Dự báo năm 2018, nguồn cung phân bón trên thế giới sẽ bị thiệt hại bởi ngành phân bón Trung Quốc – một trong những quốc gia sản xuất phân bón hàng đầu trên thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, do chiến dịch sưởi ấm bằng khí đốt (khí đốt là một trong những nguyên liệu dùng sản xuất phân bón) cho hàng triệu gia đình trong mùa đông năm 2018 tại quốc gia này. Các nhà máy sản xuất phân Ure và Ammonia đang phải cắt giảm hoạt động so với cùng kỳ năm 2016.
Giảm nguồn cung nguyên liệu đồng nghĩa với việc làm giảm nguồn cung phân bón và đẩy giá phân bón tăng tại Trung Quốc (vốn là một nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới). Chỉ mới những ngày đầu tháng 1/2018, giá phân Ure trên thị trường Trung Quốc đã chạm mức 2.044 NDT/tấn, tương đương với 314,11 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 4 năm. Giá Ammonia tổng hợp tăng mạnh 8% lên 3.242 NDT/tấn trong 30 ngày qua.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội ngành phân bón Nitrogen Trung Quốc (CNFIA), công suất vận hành của các nhà máy sản xuất phân bón Nitrogen từ khí đốt đã giảm mạnh xuống chỉ còn 15% so với mức 31% cùng kỳ năm 2017.
Các hiệp hội ngành phân bón và hóa chất Trung Quốc đang cân nhắc có nên kiến nghị Chính phủ giảm giá khí đốt khi mùa đông kết thúc, nhằm giảm bớt tác động của thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu.
Các nhà máy sản xuất Ure và Ammonia từ khí đốt thường hạn chế hoạt động vào mùa đông và tăng tốc sản xuất trở lại khi nguồn khí đốt dồi dào, nhưng mùa đông năm nay, tình trạng thiếu hụt khí đốt tồi tệ hơn dự báo.
Thâm hụt nguồn cung khí đốt đang tác động mạnh tới các nhà sản xuất phân Ure từ khí gas trong năm 2018. Nhiều nhà máy không thể mở cửa trở lại một khi cắt giảm sản xuất và tình hình này có thể làm giảm mạnh nguồn cung phân bón cho trồng trọt vụ xuân tại Trung Quốc. CNFIA cho biết các nhà sản xuất dầu mỏ lớn như Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc và Sinopec nên bán khí gas với giá rẻ hơn trong quý 2 và quý 3 năm 2018 để giúp các nhà sản xuất phân bón.
Đối với thị trường Việt Nam, quý 1/2018 lượng phân bón nhập từ thị trường Trung Quốc dự kiến cũng giảm, bởi khi nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt sẽ làm sản lượng phân bón tại đây giảm, không đáp ứng đủ cầu giá tăng và Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu để đáp ứng thị trường nội địa.
Nguồn: Xuân Bình/CafeF, Tri thức trẻ