Sản lượng xi măng Việt Nam đến năm 2020 có thể lên tới 120 - 130 triệu tấn/năm, trong khi sức tiêu thụ nội địa nếu căn cứ theo dự báo tại Quy hoạch phát triển xi măng thì ước chỉ khoảng 93 triệu tấn. Như vậy, khả năng dư thừa từ 25 - 35 triệu tấn xi măng là hiện hữu.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho rằng, từ năm 2017 trở đi ngành xi măng sẽ bắt đầu dư thừa do công suất tăng mạnh trong thời gian gần đây. Kết thúc năm 2016, tổng công suất thiết kế của ngành xi măng đạt gần 88 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, vẫn còn các dự án đang tiến hành đầu tư và dự kiến hoàn thành trong năm 2018 tiếp tục nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên 108 triệu tấn/năm.

Trên thực tế, hiện các nhà máy xi măng đang hoạt động cũng chủ động đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ các dây chuyền sản xuất nên sản lượng tiếp tục tăng. Trong khi đó, lượng xuất khẩu xi măng và clinker trong năm 2016 chỉ đạt hơn 14,73 triệu tấn, tương đương khoảng 561 triệu USD.

Như vậy, so với năm 2015, xi măng xuất khẩu giảm 7,1% về lượng và 16% về trị giá. Hiện Philippines và Bangladesh vẫn là hai thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, để cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng phải đối mặt với nhiều yếu tố cạnh tranh, cả về giá và chất lượng.

Nguồn cung dư, tiêu thụ nội địa không có “đột phá”, trong khi sức ép cạnh tranh từ thị trường xuất khẩu tiếp tục gia tăng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng.

Nguồn: baotintuc.vn