Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu "Rà soát các rào cản thể chế ảnh hưởng tới thương mại nông sản tại thị trường nội địa", tập trung vào 2 ngành thịt lợn và thịt gà, do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức ngày 20/6/2017, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, chuyên gia của Ipsard cho biết, ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn như giá thành cao, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ... Bên cạnh đó còn có những khó khăn về rào cản thể chế cũng ảnh hưởng tới thương mại ngành hàng thịt lợn và thịt gà.
Theo bà Nhàn, về chính sách và thể chế có một số nhóm bất cập là đầu tư; điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh; quản lý giết mổ; kiểm dịch, kiểm soát chất lượng sản phẩm; sản phẩm nhập khẩu; tiêu thụ, bán buôn và bán lẻ.
Đại diện Ipsard dẫn chứng, rào cản về đầu tư hiện nay là thủ tục xin cấp phép đầu tư cho các vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung tuân thủ qua nhiều bước (gồm 8 bước). Đáng lưu ý, dự án thực hiện trên khu đất đã nằm trong vùng quy hoạch tập trung những vẫn phải tuân thủ theo các bước này ...đã gây khó khăn và không khuyến khích DN.
Một số ý kiến cho rằng, các chính sách quy hoạch và hỗ trợ phát triển các khu giết mổ tập trung chưa hiệu quả, chồng chéo, chưa hợp lý và chậm cập nhật chưa khuyến khích việc giết mổ ở các cơ sở tập trung đã được đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước, gây lãng phí...
Bên cạnh những bất cập về rào cản trong chính sách và thể chế, bất cập trong phân cấp quản lý nhà nước và xử lý vi phạm cũng gây không ít khó khăn trong thực thi và quản lý hai ngành hàng thịt lợn và thịt gà.
Sản phẩm đóng gói đòi hỏi nhiều thủ tục như kiểm dịch, phân tích mẫu thịt, phân tích mẫu nước và thức ăn tại cơ sở chăn nuôi…Cơ chế quản lý không bình đẳng, không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư, làm bài bản".
Để thúc đẩy ngành hàng thịt lợn, thịt gà phát triển, nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới cần tăng cường các cơ hội kinh tế thông qua tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng, giảm gánh nặng hành chính.
Trên cơ sở những nhận định đó, Ipsard đã đưa ra một số đề xuất về chính sách. Trước tiên, cần thống nhất phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) và phân phối sản phẩm động vật. Cụ thể, sửa đổi NĐ 38/2012/NĐ-CP theo hướng phân công lại trách nhiệm của các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Công thương; điều chỉnh Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT theo hướng làm rõ trách nhiệm của từng bên.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung, thay thế các bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như xem xét sửa đổi, bổ sung bất cập trong Thông tư 24/2013/TT-BYT…
Ban hành quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở chế biến sản phẩm động vật, đồng thời có quy định quy trình lấy mẫu thịt tươi kiểm tra chất cấm tại điểm kinh doanh, chợ, siêu thị…
Nguồn: Khánh Linh/Thời báo tài chính online