Đồng thời, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đó cũng là nội dung chính được các đại biểu thảo luận tại hội nghị "Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả EVFTA" diễn ra ngày 5/6/2020, tại Hà Nội, nhằm giúp các DN vừa và nhỏ (SMEs) nhận thức được những cơ hội, thuận lợi song hành cùng với nhiều thách thức và khó khăn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, do Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức, đã thu hút hơn 1.500 đại biểu và nhiều DN, cơ quan thông tấn báo chí trên khắp cả nước tham gia.
Thị trường tiềm năng đến từ EVFTA
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, EVFTA là hiệp định mang tính rất toàn diện vì nội dung trải rộng, bao phủ lên hầu hết tất cả các lĩnh vực, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của một quốc gia.
Bên cạnh đó, EVFTA còn có những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe, buộc các quốc gia đang phát triển như Việt Nam thực thi các hoạt động cải cách mở cửa và hoàn thiện thể chế pháp luật để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của quản trị kinh tế quốc gia, cũng như tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền theo hướng văn minh, dân chủ và phát triển.
Hiện nay, EU là khu vực chiếm tỉ trọng lớn trong quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng lên khoảng 14 lần, từ mức 4,1 tỷ USD vào năm 2000, lên trên 56 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 15 lần, từ 2,8 tỷ USD vào năm 2000, lên 41 tỷ USD vào năm 2019.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Có thể thấy, EVFTA mang lại cơ hội rất lớn cho các DN khi cho đến thời điểm hiện nay, EU mới chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 42% dòng thuế của hàng hóa Việt Nam vào EU.
Các mặt hàng truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang EU hiện nay chủ yếu vẫn là dệt may, nông sản, lâm sản, thủy sản, giày dép, máy vi tính… Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội SMEs đánh giá, thị trường EU và Việt Nam có đặc điểm bổ trợ lẫn nhau về lợi thế và về nhu cầu nhập khẩu, ít mặt hàng mang tính cạnh tranh, đối đầu. Đây cũng là ưu thế của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam so với các nước khác, đặc biệt là các nước châu Á vào thị trường EU. Khi EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, lợi thế này càng được phát huy hiệu quả.
Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng góp phần làm cho GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18% đến 3,25% (giai đoạn 2019 - 2023); từ 4,75% đến 5,30% (giai đoạn 2024 - 2033). Hiệp định kỳ vọng sẽ mang lại cho DN Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra hàng loạt thách thức.
Sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển
Khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nữa, DN ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. EU cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ này. Do đó, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc biện pháp chống lẩn tránh cũng không hề nhỏ.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái cũng cho biết, DN có thể gặp phải khó khăn khi đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các DN Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ các nước trong khu vực.
EU là một thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường… của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Do đó, hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể tiếp cận được với thị trường tại EU.
Để chuẩn bị cho DN có thể thực thi hiệp định hiệu quả nhất, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết thêm, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng báo cáo “Kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại 2020 - 2025 góp phần bảo đảm xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do” dự kiến trình các cấp phê duyệt trong tháng 6, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Công thương, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng rà soát, đánh giá và khuyến nghị 10 mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường EU.
10 mặt hàng này tập trung vào 3 nhóm ngành hàng chính, gồm: nông sản thực phẩm (thủy sản, trái cây tươi, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su); công nghiệp chế biến (dệt may, da giày, đồ gỗ); điện tử.
Cũng theo ông Phú, đối với SMEs, cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN thuộc SMEs Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu./.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn