Để triển khai những chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, ngày 22-23/8/2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với UBND Tỉnh Đắk Nông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức “Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do” tại tỉnh Đắk Nông.
Hội nghị đã đánh giá thực trạng, dự báo thị trường để tìm ra những nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tín dụng, thị trường, tìm ra cơ hội và đề xuất các giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam.
Những năm qua, ngành chế biến, xuất khẩu hồ tiêu đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Từ chỗ nắm giữ 47% trên thị trường hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu vào năm 2012, thị phần của Việt Nam đã tăng lên 60% vào năm 2017, giữ vị trí nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Hồ tiêu của Việt Nam hiện đã có mặt tại quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó Mỹ, Ấn Độ, Pakistan là những thị trường xuất khẩu chính hồ tiêu của Việt Nam.
Tình hình cung – cầu hồ tiêu
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn năm 2019. Dự báo đến 2050, sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa.
Ngành sản xuất, chế biến hồ tiêu Việt Nam đang ở tình thế rất bấp bênh, do diện tích phát triển vượt quá quy hoạch, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.
Trong thời gian hai năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Braxin, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng, trong đó, đáng quan tâm nhất là hồ tiêu Braxin có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tại hội nghị này cho biết, Việt Nam có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã có quy định và kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian qua, do vậy, đã giảm được một phần hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong hồ tiêu Việt Nam. Chất lượng hồ tiêu đã tuân thủ theo quy định của châu Âu, năm 2018 đạt khoảng 48%, tăng gần gấp 2 lần so với 2017. Một số thuốc bảo vệ thực vật như Carbendazim, Metalaxyl tuân thủ đạt gần 80%.
Trong khâu chế biến, hiện cũng đã có 20 doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hồ tiêu theo tiêu chuẩn công nghệ cao với công suất khoảng 60.000 - 70.000 tấn/năm. Phần lớn các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn GMP và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với nhà máy chế biến thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam cũng đang được đánh giá cao tại thị trường thế giới, đặc biệt các thị trường có hàng rào kỹ thuật cao và có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Mỹ, Đức, Nhật, Canada, Anh, Australia...
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng liên kết lỏng lẻo trong ngành hồ tiêu dẫn tới thực trạng cung vượt cầu và chất lượng khó đảm bảo, khiến xuất khẩu mặt hàng này không bền vững.
Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các Hiệp định đã mang lại. Chẳng hạn, tỷ lệ tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để hưởng lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do của các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hiện chưa cao, trong đó 70% là các doanh nghiệp FDI, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam và của Bộ Công Thương.
Vì vậy, để giữ được vị thế số 1 thế giới như hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững. Đồng thời, thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn xuất xứ.
Trong bối cảnh hội nhập và đáp ứng với yêu cầu của các FTA, ngành hồ tiêu cần có sự rà soát, đánh giá, định hướng phát triển và xây dựng các giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững.

Tình hình xuất khẩu hồ tiêu

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã nêu thực trạng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam và đánh giá những thuận lợi, khó khăn, đồng thời nêu các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh ngành hồ tiêu Việt Nam. 
Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2018 đạt 232,7 nghìn tấn, trị giá 758,8 triệu USD, tăng 8,3% về lượng nhưng kim ngạch giảm 32,1% so với năm 2017. Giá xuất bình quân giảm 37,32% chỉ đạt 3.260,24 USD/tấn. Nửa đầu năm 2019, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, cạnh tranh và rào cản kỹ thuật cũng như giá giảm mạnh trên thị trường thế giới, Việt Nam đã xuất khẩu 176,8 nghìn tấn, trị giá 452,12 triệu USD, tăng 34,1% về lượng và trị giá giảm nhẹ 0,11% so với cùng kỳ 2018. Đáng chú ý, so với các năm trước, thị trường xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam có thêm các thị trường mới như: Arập Xêút đạt 2,18 nghìn tấn; Myanmar 2,15 nghìn tấn; Senegal đạt 1,89 nghìn tấn; Sri Lanka 150 tấn và Algeria 413 tấn.
Giá bán hồ tiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Cung – cầu trong nước và quốc tế và khả năng cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam. Trên thực tế, mặc dù khối lượng xuất khẩu hồ tiêu tăng nhưng giá giảm đã ảnh hưởng không nhỏ tới kim ngạch.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, giá trị xuất khẩu hồ tiêu liên tục tăng từ năm 2000 đến năm 2016, nhưng lại liên tục giảm trong 3 năm qua. Nguyên nhân do nguồn cung tăng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Riêng ở Việt Nam, chất lượng một phần hồ tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với hồ tiêu một số quốc gia khác.
Năm 2019 được đánh giá là năm khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nói chung và ngành Hồ tiêu nói riêng, giữa bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi xen lẫn khó khăn.
Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu một cách bền vững, Bộ Công Thương đã và đang tích cực hành động, từ thông tin tuyên truyền đến hỗ trợ tháo gỡ rào cản kỹ thuật, tác xúc tiến thương mại...
Bộ Công Thương đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu về chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, xuất khẩu, cách thức nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP… góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu bền vững nông sản nói chung và hồ tiêu nói riêng của Việt Nam. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Bộ đã thực hiện 52 Hội nghị, Hội thảo, Khóa tập huấn về Quy tắc xuất xứ, Tự chứng nhận xuất xứ...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu hồ tiêu, những biến động của thị trường thế giới, nghiên cứu dự báo tình hình thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời thông báo, phổ biến, hướng dẫn các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm định hướng, tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, kịp thời chuẩn bị, ứng phó với những biến động của thị trường. Thông tin có trong “Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản” được đăng tải, công bố định kỳ hàng tuần trên chuyên trang của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương - http://www.moit.gov.vn/web/guest/ban-tin-thi-truong-nong-lam-thuy-san.
Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các rào cản kỹ thuật, biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước đối với hồ tiêu xuất khẩu Việt Nam, kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật bất hợp lý trong các cuộc họp song phương, phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ, diễn đàn khu vực và đa phương.
Song song với đó, Bộ Công Thương tích cực thực hiện công tác quảng bá nông sản Việt Nam nói chung và hồ tiêu nói riêng ở thị trường nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đồng thời hỗ trợ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của mình, trong đó đặc biệt chú trọng đến khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU.
Trong thời gian tới, kỳ vọng các giải pháp về thị trường mà Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành khác đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai sẽ đem lại những thay đổi tích cực về mặt cơ cấu thị trường, theo đó thị trường xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam dần dần được mở rộng và đa dạng hóa, đồng thời cũng sẽ định hướng cho sự phát triển của sản xuất trong nước, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân.

Nguồn: VITIC

Nguồn: Vinanet