Bên cạnh những tập đoàn lớn đã đầu tư thành công tại Myanmar như: Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển (BIDV); Viettel..., nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Myanmar.

Theo ông Than Myint - Bộ trưởng Bộ Thương mại Myanmar, cơ hội để Myanmar thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn. Hiện Myanmar đang được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ và Ấn Độ. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Myanmar có thể được hưởng ưu đãi xuất khẩu vào các quốc gia nói trên.

Bên cạnh đó, Chính phủ mới của Myanmar cũng đưa ra chương trình phát triển kinh tế, trong đó, nổi bật là chú trọng đến kinh tế tư nhân thông qua phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, tăng cường hội nhập toàn cầu thông qua: cộng đồng kinh tế ASEAN và vượt ASEAN. Nhằm thu hút FDI, Chính phủ Myanmar cũng đã ban hành luật đầu tư mới thay thế cho luật cũ, đồng thời tiến hành cải cách hệ thống thuế cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi rất lớn cho nhà đầu tư trong việc cấp phép đầu tư và hoạt động tại Myanmar.

Ông Than Myint - Bộ trưởng Bộ Thương mại Myanmar: 

Chính phủ Myanmar đánh giá rất cao và sẵn sàng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar.

Được biết, thời gian qua, quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam - Myanmar đạt được nhiều kết quả khả quan. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 536 triệu USD (vượt mục tiêu 500 triệu), trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar ước đạt hơn 450 triệu USD. Những mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar gồm sản phẩm từ sắt thép, thép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng. Việt Nam nhập khẩu từ Myanmar cao su nguyên liệu, gỗ và lâm sản, nông sản, thủy sản.

Tại cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Thương mại Myanmar tháng 1/2017 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Dư địa tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam - Myanmar còn rất lớn. Theo đó, để thúc đẩy thương mại, hai nước đã thống nhất một loạt các biện pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất, thương mại giữa hai nước. Cụ thể, tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại; phát huy vai trò của hành lang kinh tế Đông - Tây về tạo thuận lợi thương mại cũng như giảm chi phí vận tải hàng hóa đường bộ giữa hai nước; tiếp tục duy trì cơ chế họp Tiểu ban Hỗn hợp thương mại Việt Nam - Myanmar; phát huy vai trò và tác dụng cơ chế hợp tác 4 nước: Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar đối với tăng trưởng thương mại song phương cũng như đóng góp vào quá trình thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Đặc biệt, để thúc đẩy hoạt động thương mại hai nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Thương mại Myanmar hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu xi măng – mặt hàng Myanmar đang có nhu cầu lớn mà doanh nghiệp Việt Nam lại có thế mạnh; thu hẹp danh mục các mặt hàng yêu cầu giấy phép nhập khẩu (không tự động) khi xuất khẩu vào Myanmar, đặc biệt là quả thanh long…

Nguồn: Báo Công Thương điện tử