Gạo Long Trì được nhiều người biết là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc bởi vị thơm ngon, mềm, thơm, dẻo. Đây cũng là sản phẩm được công nhận thương hiệu hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Sản vật tiến vua
Thôn Long Trì trước đây thuộc xã Đạo Tú, nay thuộc thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây có điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc canh tác lúa nước và tạo nên chất lượng hạt gạo Long Trì thơm ngon nổi tiếng. Những loại gạo do nông dân Long Trì sản xuất có mùi thơm rất đặc trưng, thơm thoang thoảng của gạo mới pha chút mặn mà của tám thơm. Tiếng lành đồn xa, gạo Long Trì nức danh nhiều chốn đến mức vua Bảo Đại còn cho người về tận nơi mua để cung tiến.
Ông Nguyễn Như Ý, Chủ tịch Hội Sản xuất lúa gạo Long Trì, huyện Tam Dương, cho biết trước đây, người dân Long Trì chủ yếu cấy lúa ri, lúa rảnh, lúa câu dài ngày, năng suất thấp. Do đó, những giống ấy ngày càng mai một, nhường chỗ cho các giống lúa thông thường như: Nông nghiệp 8, Mộc Tuyền, Khang Dân, Q5, X21... Nhưng dù trồng giống gì, gạo Long Trì vẫn ngon hơn nơi khác vì có điều kiện thổ nhưỡng, tiểu khí hậu đặc biệt, điều này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xác minh.
Bởi vậy, huyện Tam Dương đã tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam với thương hiệu "Gạo Long Trì-Tam Dương". Hội Sản xuất gạo Long Trì cũng được ra đời nhằm tuyên truyền cho nông dân kỹ thuật canh tác, đưa những giống lúa chất lượng cao như: QR1, HT1, RVT vào sản xuất.
Nhằm khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng để không ngừng nâng cao sản phẩm gạo Long Trì, UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ 100% giá trị giống lúa QR1 cho Hội Sản xuất gạo Long Trì. Đồng thời, thường xuyên mang đặc sản gạo Long Trì tham gia nhiều hội chợ để người tiêu dùng biết đến.
Nhờ vậy, vùng sản xuất lúa đặc sản hàng hoá thôn Long Trì đã không ngừng được mở rộng. Hiện nay thôn Long Trì có trên 400 hộ dân tham gia sản xuất, diện tích gieo cấy 120 ha/vụ; năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha.
Trong quá trình sản xuất, nông dân nơi đây luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo mạ đến việc gặt hái, xay xát để đảm bảo tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng.
Cùng với thương hiệu dần được khẳng định, giá trị kinh tế của gạo Long Trì cũng được nâng lên. Trước kia, khi chưa có thương hiệu, gạo bán ra với giá trung bình 10.000 đồng/kg và chỉ bán được ở phạm vi khu vực huyện. Sau khi thương hiệu gạo Long Trì được khẳng định trong lòng người tiêu dùng, giá gạo tăng lên 16.000 - 18.000 đồng/kg, cao hơn từ 8.000 – 9.000 đồng/kg so với các loại gạo tẻ khác và mở rộng thị trường.
Những năm qua, bằng việc tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, thương hiệu gạo Long Trì đã tạo được niềm tin đối với khách hàng.
Đặc biệt, năm 2013 là năm quan trọng, đánh dấu bước đột phá của thương hiệu gạo Long Trì khi được Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo thuộc Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam bình chọn nằm trong top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng.
Loay hoay tìm đầu ra
Mặc dù được đánh giá cao về chất lượng nhưng hiện nay, Hội Sản xuất lúa gạo Long Trì vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc giữ và phát triển thương hiệu gạo Long Trì. Bởi, do chưa có mặt bằng kinh doanh, nhà xường và kho chứa hàng nên số lúa gạo được Hội thu mua vẫn chỉ được để tại nhà dân.
Thêm vào đó, đầu ra cho thương hiệu gạo Long Trì vẫn do Hội Sản xuất lúa gạo Long Trì hợp đồng với các nhà hàng, khách sạn, siêu thị nên nhiều khi phải chịu sự cạnh tranh từ nhiều phía, nhất là các loại gạo thơm, gạo Nhật Bản, gạo Thái Lan… Gạo Long Trì vẫn chưa được người dân ở các vùng nông thôn chào đón vì giá bán gạo Long Trì cao hơn so với các loại gạo thông thường.
Theo ông Nguyễn Như Ý, Chủ tịch Hội Sản xuất lúa gạo Long Trì, huyện Tam Dương, cho biết hàng năm, sản lượng lúa Long Trì được sản xuất lên tới hàng nghìn tấn nhưng do nguồn vốn hạn chế và chưa có kho để tích trữ nên Hội chỉ thu mua được từ 140 – 150 tấn/vụ.
Còn lại, lúa gạo Long Trì phần lớn bị thương lái thu mua nhỏ lẻ nên giá cả không ổn định. Mặc dù đã được tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm nhưng chính những khó khăn về vốn, mặt bằng và thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên thương hiệu gạo Long Trì mới chỉ dừng lại ở thị trường tiêu thụ trong tỉnh và một bộ phận người tiêu dùng đã biết tới.
Theo ông Nguyễn Như Ý, trước mắt, Hội Sản xuất lúa gạo Long Trì sẽ tích cực tìm kiếm đầu ra và dần dần mở rộng quy mô sản xuất gạo Long Trì. Cùng với đó, áp dụng các quy trình canh tác, chăm sóc lúa an toàn. Quy tụ các hộ nông dân trên địa bàn xã thành một tổ hợp sản xuất độc quyền, nhằm cung ứng ra thị trường những sản phẩm gạo Long Trì chính gốc, chất lượng cao.
Về lâu dài, để đảm bảo đầu ra cho thương hiệu gạo Long Trì cần có sự đầu tư xây dựng hệ thống cửa hàng, kho xưởng. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân có nơi tiêu thụ sản phẩm sạch, người tiêu dùng có điểm đến mua.
Mong muốn của ông Ý và những thành viên Hội Sản xuất lúa gạo Long Trì không chỉ phụ thuộc vào cố gắng, nỗ lực của bản thân họ mà còn cần lắm sự chung tay góp sức của cộng đồng, sự quan tâm của chính quyền và các ban, ngành liên quan để thương hiệu gạo Long Trì tìm và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận./.
Nguồn: Nguyễn Thị Thảo/Bnews/TTXVN