Từ nước xuất khẩu thuỷ sản, 10 năm qua, do nhu cầu tiêu thụ trong nước lớn, Trung Quốc trở thành nước chuyên nhập khẩu. Thông tin trên được ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), cho biết tại hội thảo Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ngày 28/3.
Trong vòng 5 năm qua, Trung Quốc luôn chiếm vị trí cao trong nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng đạt 14% về giá trị và 6% về khối lượng. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt trên 1,5 tỷ USD.
Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thủy sản chủ yếu do tầng lớp trung lưu lo ngại về an toàn thực phẩm, đồng thời ưa chuộng các sản phẩm từ nước ngoài và được nuôi trồng, đánh bắt tự nhiên.
Ông Hòe lưu ý rằng người Trung Quốc đều thích tiêu dùng các sản phẩm được các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, chấp nhận.
Theo số liệu của ITC, Việt Nam là nước cung cấp thủy sản lớn thứ 10 của Trung Quốc, chiếm khoảng 3% với tổng kim ngạch đạt hơn 230 triệu USD trong giai đoạn 2013 - 2017. Tuy nhiên, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, con số này đã đạt 1,2 - 1,3 tỷ USD trong cùng kỳ, và là nước cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Trung Quốc. Ông Hòe cho biết có sự chênh lệch số liệu là do hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.
Biểu đồ: Phan Vũ.
Cá tra Việt Nam lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc
Tại Trung Quốc, thương mại điện tử đang phát triển mạnh. Thủy sản cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang bán hàng trực tuyến. Trong đó, cá tra Việt Nam cũng bắt đầu được nhiều doanh nghiệp rao bán trên hệ thống Alibaba.com, ông Hòe cho biết.
Thương mại điện tử được xem là một cách tiếp cận thị trường Trung Quốc hiệu quả, bởi người dân nước này rất chuộng xu hướng mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là khi đưa hàng lên các trang thương mại điện tử, doanh nghiệp phải cam kết thực sự về chất lượng cũng như sản lượng để kịp thời cung cấp.
Thủy sản Việt Nam đang gặp thuận lợi
Một trong những thuận lợi lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc là chi phí xuất khẩu theo đường biển, đặc biệt từ phía Nam đi, rẻ hơn trước đây.
Trước kia, doanh nghiệp sử dụng hình thức vận chuyển đường bộ từ phía Nam ra biên giới miền Bắc rồi chuyển sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ chi phí vận tải biển rẻ hơn, hầu hết doanh nghiệp bắt đầu thực hiện làm thủ tục hải quan chuyển hàng trực tiếp từ kho của nhà máy ra cảng Cát Lái trước khi vận chuyển ra các cảng miền Bắc rồi đi Trung Quốc.
Ngoài chi phí rẻ, xuất khẩu đường biển là hình thức xuất khẩu chính ngạch, giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro về thanh toán vì không phải qua nhiều trung gian, cũng như tránh rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng lô hàng.
Hơn nữa, thuế nhập khẩu thủy sản đang được điều chỉnh theo hướng tích cực cho xuất khẩu chính ngạch. Từ ngày 1/7/2018, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu đối với thủy sản của Việt Nam. Động thái này giúp giảm bớt yếu tố gian lận thương mại, đồng thời kích thích các nhà nhập khẩu chuyển sang chính ngạch.
Trung Quốc từng là một nước sản xuất thủy sản lớn, tuy nhiên nước này đang có xu hướng giảm sản lượng nuôi trồng thủy sản do vấn đề môi trường và giá thành. Một số nhà phân tích lo ngại rằng việc Trung Quốc nuôi thành công cá tra sẽ kéo giảm nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Hòe, chi phí nuôi ở Trung Quốc chắc chắn cao hơn Việt Nam, chưa nói đến chất lượng thịt cũng không thể bằng. Vì vậy, cá tra của Việt Nam vẫn có lợi thế hơn.
Giải pháp giữ chân thị trường Trung Quốc
Từ năm 2015, Trung Quốc nổi lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, với nhu cầu đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao. Trong bối cảnh có sự tham gia của nhiều các công ty lớn vào thị trường Trung Quốc, mặt bằng về yêu cầu chất lượng thực phẩm từ phía Trung Quốc bắt đầu thay đổi, có những yêu cầu tương đương hoặc thậm chí cao hơn các quốc gia tiên tiến, ông Hòe cho biết.
Theo ông, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này có thể hồi phục mạnh khi chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt và doanh nghiệp tập trung xuất khẩu chính ngạch. Ông Hòe cho rằng cần phải cấp chứng thư cho hàng xuất khẩu đi Trung Quốc, nhằm đảm bảo đồng bộ chất lượng sản phẩm của các công ty cũng như giữ gìn hình ảnh của thủy sản Việt Nam.
Một trong những trở ngại đối với việc xuất khẩu hàng hóa đi Trung Quốc là danh mục mặt hàng được phép xuất khẩu. Những mặt hàng không có trong danh mục này đều không được xuất khẩu qua Trung Quốc. Tuy nhiên, việc đăng ký bổ sung các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn thiếu vào “Danh sách các sản phẩm được chấp thuận nhập khẩu vào Trung Quốc” hiện vẫn còn khó khăn và mất nhiều thời gian.
Ông Hòe kiến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp và động thái thúc đẩy Trung Quốc bổ sung thêm các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu vào thị trường này.
Tổng thư ký VASEP cũng cho biết nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay với những thay đổi trong chủ trương, chính sách của Trung Quốc. Nói cách khác, thông tin thay đổi trong chính sách nhập khẩu hàng thủy sản qua đường biên giới không được cập nhật thường xuyên, gây khó khăn cho kế hoạch xuất khẩu.
Theo ông Hòe, các cơ quan chức năng cần có biện pháp để cập nhật vào thông báo kịp thời về những thay đổi trong chính sách cho doanh nghiệp.
Nguồn: Phan Vũ/Người đồng hành