Chia sẻ bên lề diễn đàn “Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thế giới hậu Covid-19” diễn ra cuối tuần này, bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) cho biết doanh nghiệp thành viên tập đoàn là Vinaseed vừa xuất khẩu thành công sản phẩm gạo VJ Pearl Rice, gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Czech với giá khoảng 1.040 USD/tấn. Đây là 2 thị trường cửa gõ thông thương, đưa hàng hóa vào sâu trong khu vực EU.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn PAN. Ảnh: Ngọc Hà

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, kinh nghiệm xuất khẩu thành công hàng hóa nói chung và gạo nói riêng vào thị trường hơn 500 triệu dân này là chất lượng. EU có quan điểm khá cứng rắn về an toàn thực phẩm, trong đó với sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nước xuất khẩu phải tuân thủ các quy định của EU trong toàn bộ quá trình sản xuất. Dù không nghiêm ngặt như sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhưng các mặt hàng này vẫn bị kiểm tra ngẫu nhiên bởi các nước thành viên khi nhập cảnh cũng như lúc bán ra thị trường.
Vì vậy, ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì doanh nghiệp còn phải chuẩn bị bài bản, quy mô trong toàn bộ chuỗi giá trị khép kín. Từ việc gieo trồng, sử dụng giống bản quyền, thu hoạch và chế biến bằng công nghệ, máy móc trang thiết bị hiện đại, đảm bảo sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất để đáp ứng tiêu chuẩn của EU. Có như vậy thì sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mới có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này sau khi "đường cao tốc đã mở", qua đó đem lại lợi ích thực sự cho người sản xuất cuối cùng: “Người nông dân Việt Nam nếu không được hưởng lợi từ EVFTA thì hiệp định chưa thành công", bà Nguyễn Thị Trà My nói.
Trước đó, Vinaseed (HoSE: NSC) đã xây dựng Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản tại tỉnh Đồng Tháp trên diện tích 5,2 ha và tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động được 9 tháng, doanh nghiệp này đã đạt chuẩn Hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) của Hà Lan do tổ chức đánh giá độc lập nổi tiếng của Anh chứng nhận. Đây có thể xem là "thẻ thông hành" quan trọng để sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận EU cũng như các thị trường khó tính khác.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao những doanh nghiệp kinh doanh thực chất như PAN. Khi làm ăn với đối tác EU, doanh nghiệp phải chắt chiu từ những việc làm nhỏ, đảm bảo chuẩn mực, chữ tín và lựa chọn hướng đi bền vững. Từ đó, cơ hội giao thương, hợp tác sẽ mở ra cho doanh nghiệp, không chỉ gạo mà còn nhiều nông sản khác.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. Ảnh: Ngọc Hà.

Cơ hội xuất khẩu vào EVFTA thì rất nhiều doanh nghiệp nhìn thấy, nhưng không phải ai cũng nắm bắt và tận dụng thực sự được cơ hội. Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), từng chia sẻ rằng khi ở một hội thảo có đến 90% doanh nghiệp xuất khẩu sang EU nhưng phần lớn theo hình thức FOB. Nghĩa là người bán chỉ cần giao hàng lên tàu ở cảng, không cần quan tâm đến thuế, chi phí vận chuyển hay bảo hiểm, trong đó có mặt hàng gạo.
Doanh nghiệp Việt nhận được rất nhiều đơn hàng từ EU nhưng chỉ là xay xát. Khi xuất khẩu sang EU thì sản phẩm đó được dán nhãn, thương hiệu của họ chứ không phải của Việt nam. Như vậy, doanh nghiệp Việt chỉ gia công sản phẩm thôi, giá trị mang lại vẫn thấp và không có nhiều khác biệt.
Vì vậy, để tận dụng được thực sự cơ hội, thuế suất mà EVFTA mang lại, ông Khanh cho rằng doanh nghiệp phải chủ động tự nâng cấp mình, phải thay đổi tư duy "an phận thủ thường" với hợp đồng gia công. Đồng thời là nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư trang thiết bị, máy móc và nắm rõ những nguyên tắc của hiệp định. Có như vậy "cao tốc' EVFTA mới thực sự có ý nghĩa với doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Khanh còn cho rằng, trên hành trình chinh phục người tiêu dùng, cạnh tranh ngay trên sân nhà trong khuôn khổ EVFTA hay bất cứ hiệp định nào khác thì còn cần sự vào cuộc, sự hỗ trợ và quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Bởi đến nay, EVFTA có hiệu lực được gần 1 tháng, số lượng kế hoạch triển khai hiệp định mà Bộ Công Thương nhận được từ các bộ, ngành, địa phương vẫn còn rất khiêm tốn dù trước đó Chính phủ đã có kế hoạch triển khai thực thi từ rất sớm. Hoặc tránh lặp lại tình trạng như hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sau 8 tháng hiệp định có hiệu lực, Bộ Công Thương mới nhận được đầy đủ kế hoạch triển khai thực hiện của các bộ, ngành địa phương.
Ngoài ra, TS Vũ Tiến Lộc còn cho rằng chiến lược trong thời gian sắp tới là sửa đổi hệ thống pháp luật để tương thích với những điều đã cam kết trong EVFTA. Quan trọng hơn, những sửa đổi, cải cách thể chế thậm chí còn cao hơn những cam kết trong khuôn khổ hiệp định, tạo sự thuận lợi trong hoạt động kinh doanh, đầu tư và sự cạnh tranh công bằng hơn của cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ khi nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì đó mới là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ở những giá trị cao hơn.

Trước đó, báo cáo về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trước cơ hội từ EVFTA của VCCI đã chỉ ra có 40% doanh nghiệp tham gia giao dịch với EU, hơn 80% doanh nghiệp biết về EVFTA, 5% doanh nghiệp có kiến thức chuyên sâu nhưng có tới 63% doanh nghiệp chưa chuẩn bị cho việc tận dụng EVFTA.

Nguồn: Ngọc Hà / Người đồng hành