"Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu các công nghệ và dịch vụ cao từ Mỹ, và nhân chuyến thăm này, chúng tôi sẽ ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng", Thủ tướng phát biểu trong bữa tối với Phòng Thương mại Mỹ.
Hôm nay (31/5, giờ Mỹ), Thủ tướng sẽ gặp tổng thống Donald Trump, kết thúc chuyến thăm 3 ngày. CEO GE Power Steve Bolze cho biết sẽ ký hợp đồng mới với Việt Nam trị giá khoảng 6 tỷ USD, nhưng cũng không cung cấp thêm chi tiết.

Trước đó, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng bày tỏ mối quan ngại về sự tăng trưởng nhanh của thâm hụt thương mại của Washington với Việt Nam, nhận xét đây là một thách thức mới cho 2 nước và ông mong muốn Thủ tướng giúp giải quyết vấn đề này.
Ông Lighthizer cho biết trong thập kỷ qua, thâm hụt thương mại song phương đã tăng từ khoảng 7 tỷ USD lên gần 32 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt thương mại lớn thứ 6 của Mỹ, phản ánh sự gia tăng nhập khẩu các sản phẩm bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác của Việt Nam, ngoài các ngành truyền thống như giày dép, may mặc và đồ gỗ.
Trong khi đó, tại tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt - Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng hình ảnh đôi giày Nike để nói về lợi nhuận nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam. Thủ tướng cho biết, với 138 triệu đôixuất khẩu mỗi năm, nếu một đôi giày đó có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD, còn 78 USD là Mỹ hưởng.Vì thế ông tin tưởng trong chuyến thăm Mỹ lần này, sẽ có thêm nhiều hợp đồng thương mại được ký, tạo ra khối lượng mại theo hướng cân bằng hơn, phát huy lợi thế mỗi bên.
Xu hướng đó được lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận là không hề mâu thuẫn mà bổ trợ cho nhau, như Việt Nam nhập máy móc thiết bị và một số sản phẩm từ Mỹ, trong khi xuất khẩu sang nước này những sản phẩm mà người Mỹ ưa dùng như cá, tôm, trái cây, giày dép...Ngoài ra, không chỉ có doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam mà nhiều nhà đầu tư Việt Nam cũng đã gõ cửa, đầu tư vào thị trường này.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch 50 tỷ USD năm 2016, tổng vốn đăng ký các dự án đầu tư trên 10,2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của nước này đã có mặt rất sớm ở Việt Nam và đạt nhiều thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng dưới thời chính quyền mới.
 Nguồn: Trang Hồ theo Reuter/ndh.vn