Tăng trưởng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP): Trong 5 năm gần đây, tỷ trọng XK cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh với mức trung bình 21% - 31%/năm. 7 tháng đầu năm nay, XK cá tra đạt 1,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường XK hàng đầu.

Đề cập tới vai trò của thị trường Trung Quốc trong XK cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay: Những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang là thị trường XK chủ lực của Việt Nam. Ví dụ điển hình, trong năm 2017, ngành cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, từ thuế chống bán phá giá, truyền thông bôi bẩn ở một số nước EU, Đạo luật Farm Bill của Hoa Kỳ… Trong khi kim ngạch XK cá tra sang các thị trường chủ lực, điển hình như Hoa Kỳ sụt giảm mạnh mẽ thì sự gia tăng XK tới trên 40% sang thị trường Trung Quốc được xem là "cứu cánh" quan trọng. Bước sang nửa đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường hàng đầu NK cá tra Việt Nam với thị phần khoảng 25%, cao hơn hẳn so với con số khoảng 18 - 20% của thị trường Hoa Kỳ.

Trên thực tế, kể từ ngày 1/7/2018, thuế NK cá tra vào thị trường Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm khoảng 3 - 4%. Cụ thể, thuế NK philê cá tra đông lạnh giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Đây được nhìn nhận là yếu tố thuận lợi tạo thêm cơ hội để DN đẩy mạnh XK cá tra sang Trung Quốc. Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT: Ở thời điểm hiện tại, các nhà NK tại thị trường Trung Quốc đã tạm ngừng thu mua cá tra Việt Nam để tiêu thụ hết lượng hàng đã nhập trước đó. Vì vậy, nhiều DN giảm khâu thu mua cá tra nguyên liệu từ các hộ nuôi dù đang trong giai đoạn thời tiết thuận lợi để thả đợt cá giống mới. Dù vậy, dự báo giá cá tra từ nay đến cuối năm sẽ vẫn ở mức có lãi cho người nuôi.

Đánh giá về tiềm năng thị trường Trung Quốc trong dài lâu với mặt hàng cá tra, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư Ký VASEP phân tích: Trung Quốc không chỉ là một thị trường rộng lớn mà còn là quốc gia có nền ẩm thực khá phong phú. Trong khi đó, cá tra là sản phẩm phù hợp để có thể biến tấu lên tới hàng trăm món ăn khác nhau. Ngành cá tra trong nước có thể gia tăng XK các sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường này.

Thúc đẩy xuất chính ngạch

Dù đánh giá cao tiềm năng XK cá tra vào thị trường Trung Quốc, song ông Hòe cũng nhấn mạnh: "Đây là thị trường chưa ổn định. XK cá tra vào thị trường Trung Quốc tăng trưởng liên tục, song vẫn tồn tại thực tế là các DN bán hàng theo lối tư duy cũ, sản xuất cái gì thì bán cái đó mà không khảo sát nhu cầu thị trường để có thể vừa kiểm soát tốt về giá cả, vừa đảm bảo đủ lượng cho tiêu thụ".

Theo VASEP, nhiều quy định của nhà nước Trung Quốc cũng đang khiến cho DN XK thủy sản Việt Nam bối rối. Điển hình như, quy định dư lượng photphat trong cá tra, hiện quy định của hàng không hóa chất của châu Âu là hàm lượng này không vượt quá 4%. Tuy nhiên, phía Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại chỉ đưa ra nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn của Trung Quốc. Đặc biệt, với sản lượng cá tra gia tăng XK vào thị trường tăng mạnh, phía Trung Quốc hiện đang bắt đầu siết chặt vấn đề an toàn đối với mặt hàng. Trung Quốc hiện không kiểm soát chất lượng đối với các mặt hàng NK đường biên mậu. Bởi vậy, việc kiểm soát như trên được xem là không công bằng đối với các sản phẩm NK theo đường chính ngạch. Trong khi đó, hàng hóa xuất qua đường biên mậu lại không phải chịu 17% thuế Giá trị gia tăng nên khả năng cạnh tranh về giá là rất lớn so với các sản phẩm nhập chính ngạch.

Xung quanh câu chuyện khó khăn trong XK cá tra, ông Nghĩa chia sẻ thêm: Nửa đầu năm nay, theo thông tin từ cơ quan quản lý cũng như các DN, trong tổng kim ngạch cá tra XK sang Trung Quốc, XK theo đường tiểu ngạch chiếm khoảng 40%. Sản phẩm XK tiểu ngạch và chính ngạch có sự chênh lệch về giá khoảng 1USD/kg. Xuất tiểu ngạch khá phức tạp, thiếu ổn định và rủi ro lớn. Đáng lo ngại nhất là chất lượng. Sau khi hàng xuất đi, nhà NK có thể chế biến thêm, gây ảnh hưởng tới uy tín cá tra Việt Nam. "Để ổn định làm ăn lâu dài, Nhà nước, các hiệp hội, ngành hàng cần làm việc với cơ quan quản lý Trung Quốc để XK thông qua đường chính ngạch. Đặc biệt, dù XK chính ngạch hay tiểu ngạch, trước tiên DN đều phải đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các DN cần liên kết tốt với các nhà phân phối uy tín ở Trung Quốc, đồng thời đưa ra các phương thức thanh toán phù hợp, hạn chế rủi ro", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nhằm thúc đẩy XK thủy sản nói chung, đặc biệt là cá tra nói riêng sang thị trường Trung Quốc, VASEP cũng cho rằng: Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung kiểm soát tốt chất lượng, đẩy mạnh XK chính ngạch, kiểm soát xuất tiểu ngạch. Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà là một thị trường đang phát triển và nhạy cảm với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên người tiêu dùng Trung Quốc đã tìm kiếm những sản phẩm NK được chấp nhận tại thị trường Âu, Mỹ, trong đó có sản phẩm cá tra Việt Nam.

VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản hiện nay để bảo đảm chất lượng thủy sản XK qua biên giới. Ngoài ra, để đẩy mạnh hoạt động XK thủy sản vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, việc quảng bá thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc cần phải được thúc đẩy mạnh hơn nữa. VASEP còn đề nghị Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ dài hạn để thúc đẩy XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đồng thời, Bộ NNPTNT nghiên cứu chiến lược phát triển thị trường Trung Quốc, có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm thủy sản vào thị trường rộng lớn này.

Nguồn: Baohaiquan.vn