Nghị định gồm 5 chương, 45 Điều, áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức kể cả người đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Riêng người làm việc trong tổ chức cơ yếu thì việc xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
Việc xử lý kỷ luật phải đảm bảo khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.
Thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức không quá 90 ngày. Trong trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc có tình tiết phức tạp khác cần thời gian để làm rõ thêm thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật nhưng không quá 150 ngày.
Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Ngoài ra, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp cũng không được áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật.
Nghị định cũng quy định về khoảng thời gian không được tính là thời hạn xử lý kỷ luật, gồm: Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có); thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế theo quyết định của cấp có thẩm quyền…
Một trong những quy định hoàn toàn mới tại Nghị định này là thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Cụ thể:
- Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.
- Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20-9-2020.
Xem chi tiết Nghị định 112/2020/NĐ-CP

Nguồn: VITIC