Căn cứ vào Luật Dầu khí, các Nghị định và Quyết định về kinh doanh, hoạt động dầu khí, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Thông tư này. Theo đó, thời điểm xây dựng các tài liệu quản lý an toàn gồm ba giai đoạn: Một là, chương trình quản lý an toàn được thực hiện; Hai là, báo cáo đánh giá rủi ro được thực hiện; Ba là, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp được thực hiện.

Yêu cầu mô tả tổng quan về Dự án, công trình trong tài liệu quản lý an toàn gồm các thông tin cần thiết như sau:

1. Tên, công suất, sản phẩm chính, nguyên liệu chính;

2. Vị trí công trình, dự án, bản đồ địa hình, điều kiện tự nhiên liên quan đến an toàn, môi trường;

3. Vị trí các tòa nhà văn phòng, công trình tiện ích, dịch vụ, hệ thống an toàn và phòng cháy chữa cháy;

4. Mặt bằng, hành lang và khoảng cách an toàn đối với thiết bị công nghệ, thiết bị phụ trợ, các hạng mục cần bảo vệ có liên quan;

5. Quy trình công nghệ cơ bản, hóa chất, lưu chất chính liên quan đến an toàn, cháy nổ và môi trường

6. Các hoạt động liên quan đến tồn chứa, xuất, nhập, vận chuyển;

7. Thông tin về nhân sự làm việc cho dự án;

8. Công trình, thiết bị dừng khẩn cấp, bảo đảm an toàn và phòng cháy chữa cháy.

Chương trình huấn luyện an toàn, ứng cứu khẩn cấp chi tiết cho các đối tượng, vị trí làm việc theo quy định và yêu cầu của ngành nghề dầu khí gồm các lĩnh vực, đối tượng cần phải được huấn luyện an toàn; nội dung, thời gian huấn luyện cho từng đối tượng và sau khi hoàn thành khóa huấn luyện thì cấp chứng chỉ, chứng nhận.

Bộ trưởng Bộ Công thương đã ủy quyền cho Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương chấp thuận tài liệu về quản lý an toàn của đơn vị có hoạt động dầu khí và có trách nhiệm trực tiếp giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm,giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/12/2018.

Xem chi tiết Thông tư 40/2018/TT-BCT tại đây.