Quan điểm nêu trên được người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra khi là thành viên duy nhất của Chính phủ tham gia trao đổi trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội chiều 8/6. Trước đó, nhiều đại biểu nêu ý kiến về việc Việt Nam chưa quan tâm đúng mức tới sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, trong khi hoạt động của khối FDI còn nhiều bất cập.

Trả lời những thắc mắc này, ông Bùi Quang Vinh cho rằng tới đây Việt Nam sẽ tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Do đó, cơ quan quản lý và xã hội cần có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

"Không một nước nào không mong muốn thu hút FDI. Đúng là tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam chiếm khá lớn và câu hỏi làm sao để doanh nghiệp trong nước phát triển lên là điều tất cả chúng ta đều mong muốn trả lời", ông Vinh nói.

Tuy nhiên, vị này đặt giả thiết nếu không cho doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư, nền kinh tế sẽ rất khó khăn. "Một dự án như của Samsung có thể giải ngân đến 11,3 tỷ USD và sẽ còn tiếp tục. Nó cũng tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, lương bình quân 4-10 triệu đồng một người", Bộ trưởng dẫn chứng.

Thừa nhận thu hút FDI hiện nay có nhiều bất cập, việc chuyển giao công nghệ trước mắt có thể chưa diễn ra, song ông Vinh cho rằng các dự án đều tạo ra các cú huých lớn về công ăn việc làm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam phải tập trung phát triển doanh nghiệp trong nước.

"Các doanh nghiệp FDI làm việc với tôi luôn trăn trở việc các nguyên liệu đầu vào từ nước sở tại, giúp giảm giá thành sản phẩm. Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta phát triển được công nghiệp phụ trợ thì khối FDI sẵn sàng hợp tác", Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận hiện năng lực của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, non yếu. Bộ trưởng kỳ vọng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được cơ quan này soạn thảo có thể thông qua trong năm 2016 sẽ tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng cho nhóm này.

Cũng liên quan đến lĩnh vực Bộ trưởng Vinh phụ trách, một số đại biểu đặt câu hỏi tại sao đầu năm 2014, Chính phủ đưa ra kế hoạch CPI là 7% nhưng đến kỳ họp vào tháng 10 thì giảm dự báo xuống 4,6% rồi cuối cùng, con số thực hiện chỉ còn 1,84%.

Theo lý giải của vị trưởng ngành, các quốc gia khác thì chỉ đưa ra dự báo trong quý, còn Việt Nam thì lập kế hoạch trước một năm. Hơn nữa, các dự báo tính toán được đưa ra trong thị trường đầy biến động về kinh tế, chính trị nên rất khó chính xác.

Bộ trưởng cho biết, các cơ quan cũng dự báo đã tính toán nếu lạm phát ở mức 5-7% thì nền kinh tế sẽ không có gì đáng lo ngại. Đây là môi trường tốt nhất, ổn định cho tăng trưởng ở Việt Nam. "Nếu lạm phát thấp hơn thì rất khó vì chúng ta còn phải để dư địa cho nới lỏng chính sách tiền tệ tín dụng để đầu tư và để doanh nghiệp thực hiện tốt hơn trong vay vốn, mở rộng", ông Vinh lý giải.

Do đó đầu năm, các cơ quan thống kê đưa ra dự báo lạm phát ở 7% không có gì là bất thường. Đến tháng 10, lạm phát vẫn đang diễn biến ổn định. Tuy nhiên, những tháng cuối năm có biến động lớn khi giá dầu thế giới giảm tới 60-70% và liên quan đến hàng loạt giá thành mặt hàng khác giảm. Nông nghiệp những tháng giáp Tết do được mùa nên không tăng giá.

"Do đó, lạm phát cuối năm ở mức 1,84% là bình thường. Những dự báo của cơ quan thống kê được nghiên cứu trong trường hợp các yếu tố đều diễn biến bình thường, không đột biến. Còn những tháng cuối năm có yếu tố bất thường nên không tránh khỏi sai lệch, ngay cả Mỹ, Nga cũng bất ngờ về điều này", ông Vinh nói.

Nguồn: VnExpress