Hãng nghiên cứu Grant Thornton vừa ra báo cáo khảo sát đầu tư tư nhân về triển vọng kinh tế và đầu tư tại Việt Nam trong 12 tháng tới.

Theo khảo sát này, 86% người tham gia cho rằng mức độ đầu tư sẽ tăng. Tỷ lệ này so với của Myanmar là 45%, Lào 27%, Philippines 19%, Malaysia 2%.

Dự đoán này dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi góp phần thúc đẩy niềm tin tiêu dùng cũng như triển vọng tăng trưởng của các ngành kinh tế. Thứ hai, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khu vực mậu dịch tự do châu Á (AFTA) sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Thứ 3, sự sửa đổi chính sách cũng thể hiện cam kết tích cực cho nhà đầu tư.

 

 


Cũng theo khảo sát của Gran Thornton, dầu và khí đốt được coi là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư nhất trong vòng 12 tháng tới, tiếp đến là lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.

Nguồn cung tăng trong khi nhu cầu tăng chậm hơn kỳ vọng khiến giá dầu giảm mạnh năm 2014, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Do đó, năm 2014, chỉ 17% nhà đầu tư được khảo sát đánh giá cao lĩnh vực này. Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới đây, con số này đã lên 37%. Sự hấp dẫn của ngành này tăng đột biến có thể là do cơ hội mua lại tài sản từ những người bán khó khăn về tài chính hay đầu tư vào tài sản với giá rẻ hơn. Đối với các nhà đầu tư góp vốn tư nhân ở Việt Nam, cơ hội này có thể được hiện thực hóa khi chủ đầu tư 4 dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhơn Hội, Nam Vân Phong và Vũng Rô hạn chế về năng lực vốn.

Nhà đầu tư cũng có thể nhận thấy cơ hội ở hoạt động giao dịch dầu và khí đốt khi mà dự thảo Nghị định của Bộ Công thương xếp dầu và khí đốt vào nhóm kinh doanh có điều kiện, không còn do Nhà nước độc quyền.

Xếp thứ hai về mức độ hấp dẫn đầu tư là lĩnh vực Thực phẩm và đồ uống, với tỷ lệ đánh giá tăng từ 33% lên 34%. Việt Nam có 90 triệu dân với thu nhập bình quân đầu người tăng, đây là yếu tố hỗ trợ tích cực tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực Thực phẩm và Đồ uống. Ước tính, tốc độ tiêu thụ lương thực bình quân đầu người ở Việt Nam khoảng 17,6% giai đoạn 2014 – 2019. Riêng ngành kinh doanh đồ uống, tốc độ tăng trưởng của ngành này ước đạt 10,5%.

Ở khía cạnh ngược lại, khảo sát cũng chỉ ra những trở ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Các vấn đề này có thể kể đến như năng suất lao động thấp, chính sách kinh tế hay thay đổi, những yếu kém về kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, tham nhũng, …

 

 


Những yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm nhất khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam đó là tình hình và dự báo tăng trưởng kinh tế (17%), mức độ minh bạch hóa trong hoạt động kinh doanh (15%), sản phẩm và thương hiệu (11%), ….
Minh Phương
Theo Grant Thornton