Đồng hành trong chặng đường gian nan này trong những năm qua là nhiều tổ chức, Hiệp hội nước ngoài. VBF xin trích đăng lại những ý kiến đóng góp của đại diện một số Hiệp hội DN nước ngoài đang hoạt động tại VN về quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư cũng như những đóng góp vào việc cải cách thể chế, môi trường kinh doanh.

Bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam

Việt Nam rất thành công trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu nói chung, và với Hoa Kỳ nói  riêng. Năm 2015,  tổng kim ngạch  thương mại giữa hai quốc gia được  tiếp  tục  tăng trưởng khoảng 20% đạt 45 tỷ đô la Mỹ, và có thể kỳ vọng đạt 80 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020 nếu khuynh hướng này  tiếp  tục được duy  trì,  có thể cao hơn khi  có TPP. Hơn  thế nữa, Việt Nam đang gia tăng vị thế  là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Hoa Kỳ. Thị phần của Việt Nam chiếm 22%, và có thể vượt 30% trước năm 2020, nếu xu hướng hiện tại được tiếp tục.

Mặt khác, Việt Nam đang xếp thấp nhất trong các nước ASEAN- 6 về nhập khẩu từ Hoa Kỳ với khoảng 6,7  tỷ USD  trong năm 2015. Số  liệu này chắc chắn có  thể  tăng  lên  thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đối với các nhà xuất khẩu từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác, các nhà nhập khẩu tại Việt Nam và các đơn vị phân phối của nhà nhập khẩu. 

Hiện tại, doanh số của các công ty hội viên AmCham và các đối tác tại thị trường nội địa tiếp tục tăng trưởng, cũng như số lượng công ty AmCham đã và đang tăng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI vào Việt Nam.

Đặc biệt, trong quá  trình xây dựng các quy định về Rào cản kỹ  thuật đối với thương mại, các quốc gia trong TPP đã nhất trí về nguyên tắc minh bạch và không phân biệt đối xử trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, và quy trình đánh giá sự phù hợp, đồng thời vẫn cho phép các bên theo đuổi những mục tiêu chính đáng của mình. Các bên đồng ý hợp tác để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật này không tạo ra các rào cản không cần thiết đối với thương mại.  

Trường hợp điển hình về Rào cản Kỹ thuật đối với Thương mại tại VN: Nhập khẩu thiết bị máy móc đã qua sử dụng (kiến nghị sửa đổi Thông tư 20). Nhiều DN đã đồng lọat phản đối thông tư sửa đổi về dự định thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất bằng cách “khuyến khích nhập khẩu máy móc,  thiết bị và dây chuyền  sản xuất mới, được  sản xuất với  công nghệ mới nhất”. Bản thảo hiện nay là bản sửa đổi thứ 9 vào ngày 18/08/2015, nhưng những lời nhận xét và khuyến nghị của doanh nghiệp vẫn chưa được xem xét một cách đầy đủ.

Việc cấm nhập khẩu thiết bị và máy móc cũ hơn 10 năm đòi hỏi việc áp dụng tiêu chuẩn thời gian duy nhất cho nhiều loại, hạng mục máy móc và  thiết bị sản xuất. Tiêu chuẩn thời gian này không căn cứ dựa trên thông tin khoa học và kỹ thuật hiện có liên quan đến nhiều loại máy móc, thiết bị khác nhau mà vòng đời sản phẩm và sử dụng cũng khác nhau nhiều.

Vì vậy, Chính phủ cần xem xét bãi bỏ hạn chế nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng dựa trên tiêu chuẩn thời gian tùy ý, các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về an  toàn,  tiết kiệm năng  lượng và yêu cầu môi  trường sẽ được đơn giản hóa  và  lồng  ghép  trong dự  án Cơ  chế Một  cửa Quốc  gia,  và bất  kỳ  các  tiêu  chuẩn  chất lượng nào dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Bảo vệ luật sở hữu trí tuệ là rất cần thiết để khuyến khích đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã cải thiện khuôn khổ pháp lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây, hành vi vi phạm và việc thực thi pháp  luật sở hữu trí tuệ vẫn là một mối quan tâm của các doanh nghiệp châu Âu cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, EuroCham kêu gọi Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh những nỗ lực đảm bảo việc bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ tiên tiến và thúc đẩy đổi mới. Những điều nói trên có thể  thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài vào sản xuất, nghiên cứu và phát triển, đồng thời khuyến khích các công ty Việt Nam đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.

Việc thực hiện tốt bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể đạt được thông qua việc đảm bảo rằng hành vi vi phạm thương hiệu và bản quyền phải đối mặt với lệnh trừng phạt của pháp luật với tính răn đe cao. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến đang trở nên ngày càng quan trọng cùng với sự  tăng  trưởng số lượng người dùng internet. Việc thực thi đặc biệt khó khăn trong các trường hợp này, cụ thể là các giao dịch bất hợp pháp đối với các sản phẩm được bảo hộ bản quyền và các hàng hóa vi phạm, cũng như liên quan đến hành vi vi phạm trên các trang web và đăng ký, bảo trì tên miền có nội dung xấu. EuroCham khuyến nghị rằng các khoản tiền phạt hành chính đối với cá nhân có hành vi vi phạm bản quyền cần được tăng  lên và những nỗ  lực thực  thi pháp luật đối với các website vi phạm sẽ được tăng cường, đặc biệt là các quyết định đình chỉ cần được thi hành ngay lập tức, để hạn chế/giảm bớt thiệt hại cho chủ sở hữu hợp pháp quyền sở hữu trí  tuệ. Việc áp dụng một hệ  thống chính sách giải quyết  tranh chấp  tên miền  thống nhất để giải quyết tranh chấp xung quanh vụ tên miền “.vn” cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả là rất cần thiết.

Các giải pháp tiếp theo nhằm giải quyết các vấn đề  liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm việc xây dựng danh sách chọn  lọc các chỉ dẫn địa  lý (GI), bảo vệ dữ  liệu và quản  lý thương hiệu, và thực thi hiệu quả hơn các  luật về sở hữu trí tuệ.

Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN

Theo quy định mới của Bộ  luật  lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn  thi hành, khái niệm “Tiền lương” được hiểu là khoản tiền thực tế người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận bao gồm mức lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Với khái niệm mới về tiền lương này, người sử dụng lao động sẽ phải chi trả thêm các khoản liên quan đến bảo hiểm xã hội, tiền lương làm thêm giờ và dẫn đến việc gia tăng gánh nặng chi phí nhân công. Bảo hiểm xã hội nên được chi trả bằng ngân sách nhà nước, và với việc các doanh nghiệp phải gánh phần  lớn chi phí ấy như ở Việt Nam thì đây đang trở thành một vấn đề cần xem xét.

Không có quốc gia nào mà doanh nghiệp lại phải chịu chi phí bảo hiểm xã hội lớn như ở Việt Nam khi mà mức đóng của doanh nghiệp là 22% quỹ lương trả cho người lao động. Hơn thế nữa, mức lương tối thiểu vùng tại Việt Nam lại tăng khá nhanh với mức 10~15% mỗi năm. Như vậy, cùng với việc thay đổi tỷ  lệ đóng bảo hiểm xã hội cũng như cách tính tiền lương làm thêm giờ cộng với chi phí tiền ăn cho người lao động thì chi phí nhân công tại Việt Nam đang tăng lên đáng kể và dần đánh mất tính cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất.

Do những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới cũng như cách tính tiền lương làm thêm giờ và các yếu tố khác sẽ tác động đáng kể tới gánh nặng chi phí nhân công của doanh nghiệp, VN nên dời thời điểm áp dụng việc đóng bảo hiểm xã hội theo cách tính tiền lương của quy định mới sang năm 2016 và cần có những bước tính phù hợp.

Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN

Cùng với sự tiến triển của các Hiệp định thương mại như TPP, tầm quan trọng của các chính sách công nghiệp sẽ ngày càng trở nên rõ nét hơn. Đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, cùng với chính phủ Nhật Bản – cơ quan hỗ trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, rất mong muốn cùng  thảo  luận và hành động với VN để cống hiến cho  sự phát  triển của Việt Nam.

Nguồn đầu tư là vốn vay ODA “lâu dài và  lãi suất thấp” từ Nhật Bản sẽ rất hữu hiệu trong việc hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng, Vì vậy, rất mong Chính phủ Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn vốn ODA từ Nhật thông qua việc sửa đổi Nghị định số 38 về quản  lý và sử dụng nguồn hỗ  trợ phát  triển chính thức ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, đồng thời cải cách thủ tục để có thể triển khai nhanh chóng các dự án cơ sở hạ tầng.

Về cải thiện môi trường đầu tư đối với ngành công nghiệp ô tô, VN cần quy định rõ các ưu đãi cho sản xuất nội địa để hướng tới sự phát triển  liên tục của ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng trưởng GDP, và thực hiện cam kết WTO. Ngoài ra, trong vấn đề đầu  tư nước ngoài vào  lĩnh vực kho vận  (logistics), nên cho phép  thành  lập công  ty sở hữu 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ thuộc mã CPC 742 và 748.

Sự suy thoái của cán cân thanh toán thương mại sẽ đưa nền kinh tế vĩ mô đi theo một vòng luẩn quẩn khi xảy ra rủi ro tỷ giá, theo đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng  kinh tế trong tương lai. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không  tích cực đầu tư trừ khi họ được thuyết phục rằng nền kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững. Mặc dù ngành công nghiệp dệt may dự kiến sẽ mở rộng đáng kể nhờ tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do, bên cạnh đó vẫn có những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực khác như ngành công nghiệp ô tô.

Vì vậy, Chính phủ cần có những ước tính về sự thay đổi cán cân thanh toán thương mại do các doanh nghiệp trong khu vực mang lại, hoặc ước  lượng về kêu gọi đầu tư cho những lĩnh vực có ảnh hưởng và làm thế nào để hiện thực hóa việc này.

Ông David W. Carter, Hiệp hội DN Úc tại VN

Gần đây Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng nhằm cải thiện và tăng cường các cơ chế thị trường, đây  là nền tảng cho một nền kinh tế thành công và bền vững. Những chuyển biến đáng khích lệ là những điều khoản mới trong Luật Đầu tư dành cho tự do kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm, cấm các Bộ và chính quyền địa phương áp đặt các điều kiện kinh doanh 'cửa sau' và tập trung vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến  lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại  tự do khác, bắt buộc Việt Nam cần có bước đi  táo bạo để  tiếp  tục hoàn  thiện cơ chế thị trường và thương mại tự do. Ví dụ như, các ngành nghề đầu tư có điều kiện cũng tạo ra những rào cản cho các nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường. Danh mục các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện là quá rộng và hiệu quả cũng thường không rõ ràng. Đơn cử ví dụ như Nghị định 60 gần đây liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở các công ty đại chúng quy định rằng nếu hoạt động kinh doanh được coi là điều kiện cho mục đích đầu tư nước ngoài nhưng không có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể đối với các hoạt động như thế, thì mức độ đầu tư nước ngoài được giới hạn ở mức 49%. AusCham cho rằng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lớn không có nghĩa là các điều kiện đầu tư không thể được đáp ứng mà ngược lại sẽ là phù hợp hơn với các cam kết của Việt Nam hướng tới thương mại tự do.

Một lĩnh vực khác cần lưu ý là vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chiếm ưu thế hơn doanh nghiệp tư nhân trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những công ty không có sức cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Các công ty này với điều kiện và cơ hội cần thiết, sẽ đạt mức tăng trưởng hiệu quả và bền vững hơn cho Việt Nam. Nếu thiếu đi các cơ hội và điều kiện phát triển đó, Việt Nam sẽ gặp phải nguy cơ các lĩnh vực sản xuất do nước ngoài phát triển sẽ trở thành lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Theo: vccinews

 

Nguồn: vccinews.vn