Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của  Nikkei – một chỉ số tổng hợp và khái quát về kết quả hoạt động của ngành sản xuất – đã giảm từ 52,6 điểm của tháng 7 xuống còn 51,3 điểm trong tháng 8.

Sản lượng ngành sản xuất tăng với tốc độ chậm nhất trong 12 tháng khi nhu cầu của khách hàng đang yếu đi. Mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới cũng chậm lại trong tháng 8/2015, nhưng vẫn mạnh khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết đã giành được công việc mới từ cả khách hàng mới và khách hàng hiện có.

Trái ngược với xu hướng của tổng số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Việc giảm nhu cầu của khách hàng quốc tế và áp lực cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc được coi là những nhân tố dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Trung Quốc cũng được nhắc đến khi nói về những thay đổi giá cả trong tháng 8, với sự  giảm giá của đồng nhân dân tệ được coi là nguyên nhân dẫn đến giảm giá cả đầu vào. Những công ty báo cáo giảm giá đầu vào, với mức giảm là mạnh nhất kể từ tháng 2, cho biết nguyên nhân giảm cũng là do giá cả trên các thị trường thế giới đối với các mặt hàng như sắt thép và dầu lửa đã giảm.

Mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới yếu hơn dẫn đến lượng công việc tồn đọng giảm tháng thứ 3 liên tiếp, nhưng các công ty tiếp tục tăng số lượng nhân viên trong tháng 8. Tuy nhiên, tốc độ tạo việc làm đã chậm lại so với tháng 7.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 8/2015 đã được cải thiện lần đầu tiên trong thời gian 6 tháng, và các thành viên nhóm khảo sát cho biết thời gian giao hàng rút ngắn là do thời gian thanh toán được đẩy nhanh và khách hàng yêu cầu giao hàng nhanh hơn.

Giống như đã diễn ra hàng tháng trong suốt 2 năm qua, hoạt động mua hàng đã tăng trong tháng 8. Tồn kho hàng mua đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm trong tháng khi những người trả lời cho biết hàng thành phẩm đã được giao cho khách hàng khi hoàn thiện.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành  sản xuất Việt Nam, ông Andrew Harker, tại Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: "Tình trạng yếu kém trên các thị trường quốc tế đã như một cú hãm đối với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 8 và tốc độ tăng sản lượng đã chậm lại thành mức thấp của mười tháng. Mặc dù vẫn ở trong vùng tăng, dữ liệu PMI mới nhất cho thấy tăng trưởng đã giảm rõ ràng so với các mức tăng mạnh mẽ trong những tháng trước của năm.

"Những ảnh hưởng của việc giảm giá đồng tiền của Trung quốc đã tác động lên lĩnh vực sản xuất khi giá cả của hàng hóa Trung Quốc được cho là thấp hơn, và cạnh tranh về giá từ các công ty  Trung Quốc đã gia tăng. Các nhà sản xuất trong nước sẽ hy vọng rằng việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đáp lại bằng cách cho VND giảm giá sẽ triệt tiêu một số ảnh hưởng trên, từ đó giúp họ duy trì được khả năng cạnh tranh trong một môi trường quốc tế còn khó khăn".

Minh Phương
Theo Nikkei, Markit Economics