Yêu cầu nêu trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Văn Nên thông báo tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 1/9. Theo đó, sau 2 phiên làm việc mà không đạt được thống nhất giữa đại diện của giới chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại diện người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phương án cuối cùng về lương tối thiểu vùng cần được chốt sau buổi làm việc ngày 3/9 tới.

Trong trường hợp các bên tiếp tục không tìm được tiếng nói chung, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia là Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Phạm Minh Huân sẽ lựa chọn một phương án để báo cáo Chính phủ.

Sau cuộc họp lần 2 vào ngày 25/8, phía VCCI vẫn bảo vệ quan điểm giữ mức tăng khoảng 9-10%, trong khi Tổng liên đoàn Lao động tiếp tục mong muốn mức tăng trên 16% để phù hợp với bối cảnh kinh tế cũng như đảm bảo lộ trình thực hiện Luật Lao động. Ngược lại, lý luận của VCCI cho rằng mức tăng quá cao sẽ gây khó cho doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến vấn đề việc làm.

Trước đó, trong văn bản trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, đại diện Chính phủ cũng nhận định qua 2 năm thực hiện cơ chế Hội đồng Tiền lương quốc gia, thực tế để đạt được thống nhất về mức lương tối thiểu khuyến nghị, hội đồng này thường phải thương lượng nhiều lần (năm 2014 là 3 lần). Trong từng lần, mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện nên kết quả thường có sự chênh lệch.

Bên cạnh đó, phân tích của các chuyên gia xung quanh câu chuyện này cũng cho thấy bên cạnh những lý luận được các bên đưa ra, cần tính toán lương tối thiểu dựa trên tương quan với GDP bình quân đầu người, vốn đang khá cao ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tốc độ tăng lương cũng cần phù hợp với tốc độ tăng năng suất lao động. Tại Việt Nam, số liệu những năm gần đây cho thấy tốc độ tăng lương tối thiểu đang cao hơn nhiều so với tăng năng suất lao động.

Theo Chí Hiếu

VnExpress

Nguồn: VnExpress