Phát biểu tại hội nghị Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Mỹ tổ chức ngày 1/7, tỷ phú Wibur L. Ross nhận định Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế.

“Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 2001. Khi đó, nhiều gia đình ở đây vẫn đi xe đạp. Vừa qua, tôi có dịp đến thăm Việt Nam và thấy họ đã sở hữu ôtô, thậm chí cả những khách sạn rất lớn. Rõ ràng, Việt Nam đã tăng trưởng kinh tế ấn tượng và trong cảm nhận của tôi, đây là quốc gia an toàn nhất thế giới”, ông nói. Nhà đầu tư này có tài sản khoảng 3 tỷ USD, giàu thứ 603 trên thế giới, theo Forbes.

Ông đặc biệt quan tâm tới môi trường kinh doanh Việt Nam, vì nỗ lực cải cách nền kinh tế, trong đó có cải cách chính sách thuế và nới tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) cho nhà đầu tư ngoại. Vị tỷ phú 78 tuổi cho rằng những ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và bất động sản sẽ phát triển mạnh và đáng quan tâm đầu tư.

Chủ tịch quỹ Harbinger, ông Philip A Falcone 8 năm trước đã quyết định chọn Việt Nam để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng Hồ Tràm tại Vũng Tàu, trị giá 4 tỷ USD. “Nhiều nhà đầu tư khi ấy hỏi tôi tại sao chọn Việt Nam, một đất nước xa xôi và khác biệt về kinh tế, văn hóa kinh doanh so với Mỹ. Khi ấy tôi chọn Việt Nam vì chúng tôi tin vào sự phát triển của một nền kinh tế với gần 90 triệu dân, chủ yếu là dân số trẻ, nhiệt huyết và chăm chỉ vượt khó”, ông Falcone nhớ lại.

Chủ tịch Harbinger bày tỏ 8 năm qua, dự án tại Việt Nam cũng phải trải qua những giai đoạn thăng trầm, nhưng ông vui vì là người Mỹ tiên phong đầu tư lớn vào ngành du lịch, nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Manulife, ông Peter F. Wikinson cho biết 16 năm trước, doanh nghiệp này đến Việt Nam vì nhận ra môi trường kinh doanh ở đây có nhiều lợi thế. “Chúng tôi đã có trải nghiệm đầu tư ở nhiều quốc gia và nhận thấy tương lai tươi sáng ở Việt Nam và mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào đất nước này”, ông Wikinson nói.

Hiện tại, Manulife nằm trong top 3 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam và đang quản lý một quỹ đầu tư có tổng tài sản đến cuối năm 2014 là 486 triệu USD.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá Mỹ đang là một trong những đối tác kinh tế - thương mại - đầu tư lớn nhất. Tính đến tháng 2/2015, quốc gia này đã đầu tư 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp. Trên thị trường vốn, hiện có khoảng 995 nhà đầu tư Mỹ hoạt động, chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong các nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cho rằng với việc Việt Nam luôn thuộc nhóm 3 nước có mức tăng trưởng đứng đầu châu Á, con số đầu tư gián tiếp của Mỹ tham gia thị trường còn khá khiêm tốn. "Mảng thị trường vốn còn rất nhiều dư địa mới cho hợp tác hai nước và còn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư Mỹ", ông Dũng cho hay.

Liên quan đến tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tư lệnh ngành tài chính chia sẻ Việt Nam đã thực hiện nỗ lực này gần 20 năm, ước tính, tổng giá trị các doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa vào khoảng 25 tỷ USD với số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài khoảng 3,75 tỷ USD. “Chính phủ Việt Nam mong muốn nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến cơ hội tại Việt Nam, nhất là cơ hội từ tiến trình cổ phần hóa và đầu tư trên thị trường chứng khoán”, ông Dũng nói.

Trao đổi thêm về Nghị định 60 vừa được Chính phủ ban hành 3 ngày trước khi diễn ra hội nghị, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế trong các công ty đại chúng Việt Nam, ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện, ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết quyết sách này thể hiện Việt Nam luôn hoan nghênh các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội phù hợp.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam khi mở cửa hoạt động có quy định tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, sau đó được nâng lên 49% và nay là 100% thể hiện quyết tâm đổi mới nền kinh tế và hội nhập”, ông Bằng nói.

Trước thắc mắc của nhà đầu tư về quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện, lãnh đạo Ủy ban chứng khoán giải thích khi room ở mức 49%, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tối đa 49% vốn tại các doanh nghiệp, cũng loại trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nay room là 100% cũng thực hiện việc loại trừ này.

“Điểm khác là trong việc nới room lên 100%, chỉ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài mới bị loại trừ, còn các ngành kinh doanh có điều kiện khác sẽ không hạn chế tỷ lệ sở hữu của khối ngoại”, ông Bằng phát biểu.

Ngoài chính sách nới room, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc với các giải pháp hỗ trợ như rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, áp dụng giao dịch trong ngày, giảm thủ tục đăng ký giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh... và quyết tâm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Mỹ diễn ra đúng dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, thu hút hơn 100 nhà đầu tư quốc tế. Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)… cũng tham gia để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Nguồn: VnExpress