Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: đầu năm 2008, khách hàng lớn của ngành chè Việt Nam là Trung Quốc đột ngột không nhập hàng, khiến cho một lượng lớn chè thành phẩm bị ứ đọng không tiêu thụ được. Một số khách hàng khác cũng ép giá đối với sản phẩm chè của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau sự việc này, các doanh nghiệp đã bắt đầu chú ý hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì thế, sau thời gian ngắn ảm đạm, giá chè của Việt Nam đã tăng đáng kể đạt mức bình quân 1.396 USD/tấn, tăng 18% so với giá cùng kỳ năm trước.
Nhưng tới các tháng gần đây, lượng hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm. Tháng 10, theo kế hoạch xuất hàng là 11 ngàn tấn nhưng thực tế chỉ xuất được khoảng 9.500. Tháng 11, dự kiến là 10 ngàn tấn nhưng lượng xuất thực tế chỉ là trên 8.000 tấn.
Theo ước đoán, những con số sụt giảm này có thể tiếp tục cả trong tháng 12 này. Như vậy, hết năm 2008, dự tính cả nước chỉ có thể xuất được 115 ngàn tấn chè với kim ngạch thu về khoảng 150 triệu USD. Trong khi đó, hồi đầu năm, ngành chè ước tính trong năm 2008, xuất khẩu chè sẽ đạt 130 ngàn tấn, kim ngạch thu về khoảng 170 triệu USD.
Theo TS. Giá- Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Chè Việt Nam , nguyên nhân chính khiến cho lượng chè xuất khẩu của nước ta giảm mạnh trong những tháng gần đây là do tình hình lạm phát tăng cao ở hầu hết các nước đã khiến cho người tiêu dùng phải thắt chặt các khoản chi tiêu. Tình hình này đã khiến nhiều nhà đầu cơ trên thế giới có xu hướng rút vốn đầu tư vào nông sản.
Do đó, tuy các hợp đồng đều đã được ký từ đầu năm hoặc giữa năm nhưng do khó khăn về thanh toán những khách hàng này đã yêu cầu giãn kế hoạch giao hàng.
Thậm chí có những khách hàng còn yêu cầu thay đổi về cơ cấu sản phẩm theo hướng  tăng lượng hàng tốt giảm lượng hàng có chất lượng trung bình (điều này lại liên quan nhiều đến công nghệ chế biến). Tiếp đến là họ yêu cầu được trả chậm.
Tất cả những điều đó đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chè trong nước, khi hầu hết đều là những doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ. Cộng thêm với những khó khăn trước đó như lãi suất cơ bản ở  mức cao, khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế đã khiến không ít doanh nghiệp ngay từ những tháng chính vụ đã phải tạm đóng cửa.
Với tình hình tiêu thụ sản phẩm như hiện nay, không chỉ các các doanh nghiệp chế biến mà người trồng chè cũng bế tắc. Hiện ở nhiều vùng chuyên canh, giá chè nguyên liệu hiện đã giảm tới 50% nhưng người dân vẫn không thể bán nổi dù thời điểm cuối năm chất lượng chè nguyên liệu là khá tốt.
Đối với ngành chè, để chuẩn bị cho vụ thu hoạch chính từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, ngay từ đầu năm việc chăm bón cho cây chè là vô cùng quan trọng. Nếu thiếu vốn để đầu tư thì niên vụ tới diện tích và sản lượng không thể đảm bảo, kéo theo sản lượng và kim ngạch cũng có thể không được duy trì ở mức của năm 2008.
Từ năm 2000, ngành chè đều có tốc độ tăng trưởng từ 7- 9%/năm. Năm 2007, lượng xuất khẩu chính ngạch đạt 110 ngàn tấn, kim ngạch thu về là 130 triệu USD. Kết quả  này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu chè chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Scrilanca, Kenya.
Việt Nam có 34/63 tỉnh, thành phố có diện tích trồng chè, chủ yếu tập trung ở trung du và miền núi với gần 130 ngàn ha. Hiện có khoảng 650 nhà máy chế biến chè (công suất từ 2 đến 10 tấn nguyên liệu chè búp tươi/ngày) và hàng ngàn hộ dân lập xưởng để chế biến chè tại gia đình. Đội ngũ làm chè lên tới 3 triệu lao động, chiếm 50% tổng số dân sống trong vùng chè.

Nguồn: Vinanet