Việc Quốc hội Mỹ mới đây thông qua Luật Nông trại (Farm Bill 2013) đã gia tăng khó khăn cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường nhiều tiềm năng này.

Theo một điều khoản của Dự luật - đang chờ Tổng thống ký phê chuẩn, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ đảm nhận chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá basa và cá tra của Việt Nam, thay vì Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) như từ trước tới nay.

Khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng tiêu chuẩn tương đồng đối với cá tra nhập khẩu. Điều này có nghĩa, toàn bộ chuỗi sản xuất cá tra, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến đóng gói ở Việt Nam, đều phải tương đồng với điều kiện ở Mỹ. Nếu không, Mỹ sẽ không cho phép nhập khẩu cá tra vào thị trường.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, điều khoản này thực chất là một hình thức bảo hộ từ phía Mỹ cho các sản phẩm cá da trơn nội địa chứ không xuất phát từ yêu cầu về chất lượng vì thực tế, tuy cá tra của Việt Nam đã đạt những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng nhất định của Mỹ và các nước châu Âu nhưng so với các tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra cho các sản phẩm cá da trơn nội địa thì vẫn còn khoảng cách khá xa.

Hơn nữa, sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra tại Việt Nam hiện chưa vận hành theo một quy trình khép kín, vẫn còn quá nhiều các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, thiếu điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là về tiêu chuẩn con giống và xác định xuất xứ nguồn gốc sản phẩm.

“Không thể áp dụng tương đồng tất cả các tiêu chuẩn của cá da trơn tại Mỹ lên da trơn Việt Nam vì điều kiện nuôi của mỗi nước khác nhau với khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau”, ông Hòe chia sẻ.

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ Đào Trần Nhân, Việt Nam sẽ cần 5 - 7 năm để nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn tương đương với những nhà nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản Mỹ.

Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, sau EU. Do đó, việc Bộ Nông nghiệp Mỹ áp dụng tiêu chuẩn tương đồng đối sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ ngành sản xuất, chế biến cá tra Việt Nam.

Trước thông tin này, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam lo ngại lại tiếp tục đối mặt với một năm đầy thách thức. Hiện tại, theo quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 0,42 USD/kg đến 2,15 USD/kg.

Ông Trương Đình Hòe cho rằng, Việt Nam rất khó nếu không muốn nói là không thể, đảo ngược tình hình và chỉ còn cách chờ đợi Bộ Nông nghiệp Mỹ và FDA sẽ cùng phối hợp thực hiện chương trình thanh tra cá da trơn như thế nào. Hy vọng trong tình huống xấu nhất - dự luật được ký ban hành - phía Mỹ cần có lộ trình áp dụng cho cá tra Việt Nam.

Dự kiến, tháng 3 tới đây, Mỹ cũng sẽ công bố kết quả cuối cùng đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Nhiều thông tin cho biết, có khả năng Mỹ sẽ lựa chọn Indonesia, thay vì Bangladesh như nhiều năm nay họ vẫn chọn, làm nước thay thế để tính toán giá thành sản xuất cá tra. Việc lựa chọn Indonesia sẽ là bất lợi lớn cho ngành cá tra Việt Nam. Do vậy, năm 2014 sẽ thực sự là năm đầy gian nan với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam./.

Ông Trường Đình Hòe “Để phù hợp với xu thế mới và bảo đảm phát triển lâu dài, ngành cá tra Việt Nam sẽ phải đi theo cách thức sản xuất bền vững là hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Đây cũng sự đảm bảo cho những đòi hòi ngày càng khắt khe từ các nước nhập khẩu châu Âu và Mỹ”.

Nguồn: Thị trường nước ngoài

Nguồn: Tin tham khảo