Sau 1 năm Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng đã có nhiều cơ hội như:

+hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi vào thị trường các nước thành viên;

+mở rộng được hợp tác đầu tư;

+rút ngắn khoảng cách tụt hậu trong quản lý, công nghệ.

Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ chế biến đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2006.

Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ và gỗ trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 5 của Việt Nam sau dầu thô, dệt may, giày dép và thuỷ sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: năng lực cạnh tranh yếu, năng suất lao động thấp; 80% nguyên liệu sản xuất gỗ phụ thuộc vào nhập khẩu. Cùng với đó, sau khi gia nhập WTO các tiêu chuẩn về môi trường đặt ra các yêu cầu ngày càng gắt gao đối với thương mại sản phẩm gỗ cả thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu, bao gồm việc đảm bảo tính hợp pháp của việc khai thác và sử dụng nguyên liệu gỗ và khả năng tái sinh của rừng sau khai thác.

Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, để phát triển bền vững sản phẩm gỗ trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư, tạo năng lực mới cho các doanh nghiệp trong nước để sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các giải pháp được các doanh nghiệp chú trọng bao gồm xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp chế biến lâm sản ở các vùng có khả năng cung cấp nguyên liệu ổn định; đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo, giảm dần chế biến dăm giấy xuất khẩu, đồng thời triển khai các chương trình trồng rừng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Theo dự báo thị trường lâm sản đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đều qua các năm với tốc độ trung bình khoảng hơn 30%/năm. Dự kiến, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD.

Nguồn: Vinanet