Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục tăng trong những năm gần đây nhưng đa số các mặt hàng của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản, trong đó mặt hàng rau quả chỉ chiếm khoảng 1%. Điều này cho thấy Việt Nam còn có nhiều cơ hội để tăng thị phần xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản.

Thị phần nhập khẩu

Rau tươi chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng lượng rau nhập khẩu của Nhật Bản. Trong giai đoạn 2009 – 2012, nhập khẩu rau tươi của Nhật tăng gần 60%, từ 554.100 tấn lên 882.100 tấn. Các loại rau tươi nhập khẩu chính là hành, bí ngô, bắp cải và hoa lơ.
Rau tươi được Nhật Bản nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc do những thuận lợi về địa lý. Nhập khẩu rau tươi từ Trung Quốc của Nhật Bản đã tăng nhanh trong những năm qua và đến nay Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nước xuất khẩu rau tươi lớn nhất sang Nhật Bản. Trong năm 2012, xuất khẩu rau tươi của Trung Quốc sang Nhật Bản tăng 3,5% và chiếm 56% thị phần nhập khẩu rau tươi của Nhật Bản. Vị trí địa lý gần gũi và giá thành sản xuất thấp đã tạo nên khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc trên thị trường Nhật Bản về nhiều loại rau tươi như hành, tỏi, cải bắp, cà rốt… Các nước xuất khẩu rau lớn khác sang Nhật Bản là Mỹ (chiếm 11,4% thị phần nhập khẩu rau quả của Nhật Bản) với ưu thế về các loại rau như hành, bông cải xanh, măng tây, bí ngô…, New Zealand (4,5%) với các loại bí ngô, cà rốt, hành trái vụ. Năm 2012, Nhật Bản nhập khẩu trên 1,7 triệu tấn rau tươi trị giá gần 2,7 tỷ USD.

Không chỉ nhập khẩu rau quả tươi, Nhật Bản còn nhập khẩu rau đông lạnh. Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan và Đài Loan là những thị trường cung cấp rau đông lạnh chính cho Nhật.
Nhật Bản còn nhập khẩu nhiều loại quả tươi như các loại quả nhiệt đới: chuối, dứa, bơ, xoài, đu đủ…, các loại quả ôn đới: nho, dưa, anh đào…, và một số loại quả có múi: cam, chanh, bưởi… Năm 2012, Nhật Bản nhập  khẩu trên 2 triệu tấn quả tươi với giá trị 3,2 tỷ USD.

Tình hình xuất khẩu

Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu rau và hoa quả lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Những năm gần đây, lượng tiêu thụ đối với 5 loại quả: chuối, dứa, đu đủ, xoài và bơ trên thị trường Nhật Bản tăng do nhận thức của người dân về vấn đề sức khỏe tăng lên. Đây là những đặc sản thế mạnh của Việt Nam. Đáng chú ý, kể từ khi Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thanh long vào ngày 20/10/2009, lượng thanh long tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật đã tăng nhanh. Giá thanh long bán buôn tại thị trường Nhật Bản được doanh nghiệp Việt Nam đánh giá có lợi nhuận tốt hơn so với nhiều thị trường khác như EU, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan…

Theo ông Koshida Ryu, chuyên gia nông nghiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), không chỉ có thanh long, xoài của Việt Nam vào Nhật mà nhiều loại trái cây khác như chôm chôm, vú sữa, nhãn… cũng có thể vào thị trường này. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là không nhiều người Nhật biết Việt Nam đang có rất nhiều loại trái cây hợp với khẩu vị của họ. Đa số chỉ biết qua con đường du lịch và khi ai đến đồng bằng sông Cửu Long được ăn trái cây tươi đều rất thích. Đặc biệt, những người lớn tuổi rất thích thanh long vì độ ngọt vừa phải, mẫu mã đẹp.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 31,88 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,26% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Sang năm 2010, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 35,6 triệu USD, tăng 11,68% so với năm 2009, chiếm tỷ trọng 7,74% tổng kim ngạch. Đến năm 2011, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản tăng khá mạnh với 31,43%  so với năm 2010 đạt 46,79 triệu USD, chiếm 7,52% tổng kim ngạch và năm 2012 tiếp tục tăng 16,78% so với năm 2011, đạt 54,65 triệu USD, chiếm 6,61% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta sang Nhật Bản đạt 51,8 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012.

Sở dĩ mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh là do Việt Nam đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Một số loại trái cây của Việt Nam đã tạo được thương hiệu tốt trên thị trường Nhật Bản: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi năm roi… Đây đều là những loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, có chất lượng thơm ngon và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, thị trường trái cây tươi và rau quả của Nhật Bản hầu như có truyền thống tự cung cấp các sản phẩm từ địa phương. Tuy nhiên, do việc giảm khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp và mở cửa thị trường nhập khẩu, khối lượng nhập khẩu hàng rau quả của Nhật Bản đã tăng đều trong những năm qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Hướng đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục tăng nhưng rau quả của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Nhật Bản. Trong số các nước đối thủ xuất khẩu rau quả của Việt Nam tại Nhật Bản, Việt Nam chỉ có ưu thế hơn so với Indonesia và Myanmar, còn kém xa so với Thái Lan. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Nhật Bản từ Việt Nam hiện chỉ chiếm từ 0,6 – 0,9% trong khi con số này từ Thái Lan dao động từ 4,8 – 5,3%. Đó là chưa kể đến sức cạnh tranh và vị thế của hàng Trung Quốc ngày càng mạnh. Theo định hướng, đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta vào Nhật Bản sẽ đạt 77 triệu USD và đến năm 2020 đạt 135 triệu USD.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng rau quả sang thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp nước ta cần phải đặc biệt quan tâm tới chất lượng. Hiện Nhật là một trong những quốc gia đang áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các tiêu chuẩn của Nhật Bản hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường.

Hiện nay, một số trái cây của nước ta đã bị Nhật Bản đưa vào danh sách cấm nhập khẩu vào Nhật vì có dòi phương Đông là: cam, quýt, nhãn, đu đủ, chôm chôm… Để vượt qua những trở ngại này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ và tuân thủ đúng những quy định của luật pháp Nhật Bản: Luật bảo vệ thực vật, Luật vệ sinh thực phẩm, Luật về bao bì và tái chế bao bì… Đồng thời, cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cho lô hàng xuất khẩu: “Giấy chứng nhận xuất xứ”, “Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật”, “Khai báo nhập khẩu thực phẩm”…

Để rau quả của Việt Nam được ra khỏi danh sách cấm nhập khẩu của Nhật, các doanh nghiệp cần chứng tỏ rằng hàng hóa của mình không bị nhiễm dòi phương Đông qua các biện pháp:

Mời cơ quan kiểm dịch có thẩm quyền ở Nhật kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sản phẩm quả không bị nhiễm dòi phương Đông.

- Áp dụng phương thức sản xuất sạch cho vườn cây ăn trái, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

- Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kiểm tra chất lượng quả xuất khẩu từ khâu thu hái, sơ chế, bảo quản…

- Tham vấn ý kiến của các cơ quan vệ sinh dịch tễ và các nhà nhập khẩu Nhật Bản về việc khắc phục hiện trạng này.

Từ nay đến năm 2020 cần chú ý đa dạng hóa và phát triển các loại rau, củ quả mới sang Nhật, nhất là các loại rau quả nhiệt đới (chuối, dứa, xoài, bơ…), các loại quả có múi (bưởi, cam, chanh), kể cả các loại hoa, cây cảnh, các loại rau, gia vị như hành, bí đỏ, gừng, cà rốt, hạt tiêu, các loại quả đông lạnh, chế biến sẵn theo công nghệ Nhật và đáp ứng các tiêu chuẩn của Nhật về vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường… Có như vậy mới có thể có sự đột phá về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Nguồn: Thị trường nước ngoài 

Nguồn: Tin tham khảo