Theo lộ trình CEFT/AFTA mà VN đang thực hiện, từ năm 2008 đến 2013 cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu của điện tử từ 0% đến 5%, đến năm 2015 là 0%. Hiệp hội các DN điện tử kiến nghị giảm thuế nhập khẩu mặc dù lộ trình ACFTA từ 2009 đến 2011 cắt giảm thuế nhập khẩu nguyên chiếc 20-10% và linh kiện thấp hơn thuế nhập khẩu ưu đãi ít nhất 3-5%.
Theo Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử VN Lê Ngọc Sơn, hiện giờ, do việc sản xuất các loại phụ tùng, linh kiện trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN lắp ráp hàng điện tử, CNTT nên buộc các DN phải nhập khẩu nước ngoài.
Tất cả những linh kiện máy tính đều là bộ phận không thể tách rời để tạo nên sản phẩm máy tính để bàn và xách tay hoàn chỉnh. Đến thời điểm này, ở VN, chưa có DN trong nước nào, kể cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc dự kiến sẽ sản xuất được phụ tùng linh kiện máy tính. Một vài năm trước đây cũng đã có DN xây dựng đề án tiền khả thi sản xuất bàn phím và chuột máy tính nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Và nguồn cung vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài.
Thực tế này dẫn đến tình trạng DN gặp khó trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nguyên chiếc nhập từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Các DN sản xuất lắp ráp máy tính đang phải chịu bất lợi về chênh lệch mức thuế nhập khẩu giữa bộ phận, linh kiện điện tử, máy tính và sản phẩm nguyên chiếc thuộc biểu thuế ưu đãi và biểu thuế ACFTA.
Theo lộ trình CEFT/AFTA mà VN đang thực hiện, từ năm 2008 đến 2013 cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu của điện tử từ 0% đến 5%, đến năm 2015 là 0%. Lộ trình ACFTA từ 2009 đến 2011 cắt giảm thuế nhập khẩu nguyên chiếc 20-10% và linh kiện thấp hơn thuế nhập khẩu ưu đãi ít nhất 3-5%.
Với mức chênh lệch giữa sản xuất lắp ráp trong nước với thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc từ các nước ASEAN không lớn (các nhà lắp ráp máy tính VN đang phải chịu mức thuế nhập khẩu linh kiện máy tính để bàn và xách tay 3%). Để khai thác lợi thế này, một số nhà đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử, CNTT ở VN đã chuyển từ hình thức liên doanh sang 100% vốn sở hữu, chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu và phân phối sản phẩm.
Và mặt hàng máy tính nguyên chiếc với mẫu mã đẹp, giá thành hạ từ Trung Quốc và các nước ASEAN được nhập khẩu ồ ạt vào VN đã ảnh hưởng lớn đến các DN trong nước. Phải nhập khẩu linh kiện, giá thành sản phẩm mà các DN sản xuất lắp ráp khó có thể ngang bằng chứ không nói là thấp hơn so với sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc. Không cạnh tranh nổi, các DN phải chuyển hướng sản xuất kinh doanh, thu hẹp quy mô sản xuất, đa dạng hoá các ngành nghề kinh doanh để tồn tại. Thậm chí một số DN còn đứng trước nguy cơ phải ngưng sản xuất.
Thế nhưng, theo Bộ Tài chính, việc tăng hay giảm thuế có những phản hồi trái chiều từ các DN. DN sản xuất linh kiện thì yêu cầu dần tăng thêm thuế, nhưng DN lắp ráp lại bày tỏ nguyện vọng giảm thuế. Làm thế nào để có thể giải quyết hài hoà cả hai phía là một bài toán không mấy dễ dàng đối với cơ quan quản lý nhà nước và cần phải có thời gian nghiên cứu, cân đối.
Thuế là một công cụ hết sức quan trọng của nhà nước để điều tiết các hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh. Trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, thuế càng có ý nghĩa quan trọng. Và lẽ dĩ nhiên, từ thuế, túi tiền của người tiêu dùng sản phẩm Việt cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Với những khó khăn nêu trên, nếu việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện máy tính không được giải quyết sớm thì các DN VN hoặc phải chuyển sang thuê sản xuất - lắp ráp máy tính ở nước ngoài, hoặc đình chỉ sản xuất, chuyển sang nhập khẩu và phân phối các sản phẩm máy tính thương hiệu nước ngoài. Và việc làm này sẽ đi ngược lại với chiến lược tổng thể và chính sách bảo hộ sản xuất công nghiệp trong nước.
Điều mong mỏi nhất từ phía DN hiện nay đó là làm sao phía cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách thuế hợp lý, đúng thời điểm, giải quyết hài hoà được lợi ích của ba bên: Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Thiết nghĩ, đó là nguyện vọng chính đáng rất cần phải có sự xem xét và triển khai sớm.
 

Nguồn: Hà Nội mới ngày