(VINANET) - Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 5/2013, xuất khẩu của ngành nhựa đã thu về 706,4 triệu USD, tăng 12,23% so với cùng kỳ năm 2012.

TOP 10 thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm nhựa,túi nhựa của Việt Nam gồm Nhật Bản, Đức, Anh, Hà Lan, Cămpuchia, Pháp, Mỹ, Italia và Thụy Điển. Đến thời đierm này, có tới 9/10 thị trường đạt kim ngạch xuất trên 1 triệu USD.

5 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam các thị trường có phần chậm lại song kim ngạch vẫn đạt khả quan. Cụ thể, xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đạt 163,6 triệu USD, tăng 17,77% - đây là thị trường được đánh giá là số 1 của ngành đồ nhựa Việt Nam. Tiếp đó, thị trường Mỹ đứng thứ hai với 76,6 triệu USD, thị trường Cămpuchia đứng thứ 3, đạt kim ngạch 60,1 triệu USD. Ngoài ba thị trường chính kể trên Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường như: Đức (44,1 triệu USD); Hà Lan (35,3 triệu USD); Anh(32,7 triệu USD); Indonesia 27,9 triệu USD)…

Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Nga tuy kim ngạch chỉ đạt 4,7 triệu USD, nhưng lại là thị trường có sự tăng trưởng mạnh, tăng 221,17% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay các sản phẩm nhựa Việt Nam xuất khẩu khá đa dạng, từ túi nhựa, sản phẩm nhựa dùng trong vận chuyển đóng gói, sản phẩm nhựa công nghiệp, nhựa gia dụng… Riêng sản phẩm túi nhựa của Việt Nam đã có mặt ở gần 60 thị trường trên thế giới.

Thống kê TOP 10 thị trường nhập khẩu khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam 5 tháng 2013

ĐVT: USD
 
KNXK 5T/2013
KNXK 5T/2012
% so sánh
Tổng KN
706.468.326
629.467.006
12,23
Nhật Bản
163.631.950
138.942.790
17,77
Hoa Kỳ
76.663.619
65.906.244
16,32
Cămpuchia
60.186.212
35.995.617
67,20
Đức
44.195.378
42.154.838
4,84
Hà Lan
35.322.105
34.403.024
2,67
Anh
32.735.553
30.006.384
9,10

Indonesia

27.910.951
32.049.561
-12,91
Malaixia
19.562.290
18.538.015
5,53
Thái Lan
17.034.741
30.365.278
-43,90
Hàn Quốc
16.881.855
12.345.593
36,74
(Nguồn số liệu: TCHQ Việt Nam)

Theo VTIC, hiện nhu cầu sản phẩm nhựa trên toàn thế giới đang tăng mạnh, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á, dự kiến đạt 100 tỷ USD mỗi năm. Để nắm bắt được cơ hội này, ngành nhựa trong nước phải cải tiến tốt hơn nữa và cạnh tranh được với các sản phẩm nhựa Trung Quốc và Ấn Độ. Tại châu Âu, nhu cầu sản phẩm nhựa Việt Nam, đặc biệt là ống dẫn luôn ở mức cao. Ước tính, các thị trường khối EU sẽ tiêu thụ khoảng 275 triệu USD các sản phẩm nhựa trong năm nay, tăng 36,5% so với năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam năm 2013 được dự báo sẽ có mức tăng trưởng trung bình 11-13,5% so với năm 2012, đạt 2,2 tỷ USD.

Về cơ hội thị trường, theo TBKT Việt Nam, dự báo trong vài tháng tới, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sản phẩm nhựa sang các thị trường sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, chẳng hạn thị trường Nhật Bản do nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao cao, 5 tháng qua, dù kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa sang Ấn Độ chỉ đạt hơn 5 triệu USD nhưng Ấn Độ được đánh giá là thị trường tiềm năng và đầy triển vọng xuất khẩu sản phẩm nhựa cho Việt Nam trong tương lai. Nguyên nhân là do việc sử dụng sản phẩm nhựa trong các ngành công nghiệp của Ấn Độ đang được mở rộng, nhu cầu đóng gói tăng, sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa nông nghiệp, thu nhập khả dụng tăng và sự tập trung dân cư tại thành thị… khiến nhu cầu về sản phẩm nhựa công nghiệp và tiêu dùng tăng mạnh. Hay như Cămpuchia trước đây 10 năm là thị trường tiêu thụ sản phẩm nhựa Thái Lan thì nay hàng Việt Nam đã vươn lên chiếm lĩnh. Dự báo xuất khẩu sản phẩm túi nhựa tới thị trường Cămpuchia cũng sẽ tăng mạnh vì nhu cầu sản phẩm túi nhựa của thị trường này lớn.

Trong 10 năm trở lại đây, xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam liên tục tăng trưởng khả quan, tính cạnh tranh ngày càng được nâng cao và là một trong 10 ngành   được Nhà nước ưu tiên phát triển. Tuy vậy hiện nay, ngành nhựa vẫn đang phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, chi phí đầu vào liên tục tăng, do yếu tố cạnh tranh nên sản phẩm sản xuất ra không thể tăng giá thành, khiến nhiều doanh nghiệp rất khó khăn về vốn, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kim ngạch từ hoạt động xuất khẩu các sản phẩm này dù có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng trên thực tế, lợi nhuận thu về lại không tương xứng…

Nguồn: Vinanet