Tiêu hủy sữa thành phẩm nhiễm melamine
Cuối tuần qua, Bộ Y tế đã có cuộc họp liên quan đến sữa nhiễm melamine, phương án xử lý số sữa này như thế nào đã được nói đến nhưng chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Đến ngày 23/10, một lần nữa Bộ Y tế cùng các bộ liên quan đã tìm được lời giải cho 777,5 tấn sữa nhiễm melamine. 
Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN  và Trung Quốc ở Philippines diễn ra từ ngày 8 – 11/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc đã tuyên bố chấp thuận cho tái xuất sữa nhiễm melamine từ Trung Quốc đối với các quốc gia đã nhập khẩu. Phía doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có trách nhiệm bồi thường các hợp đồng thương mại.
Phương án này cũng đã được Bộ Y tế Việt Nam đồng ý. Như vậy, 393 tấn sữa bột nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc nhiễm melamine sẽ được tái xuất. 
Số sữa sẽ phải tiêu hủy là 366,5 tấn sữa sản xuất tại Việt Nam nhưng dùng nguyên liệu có nhiễm melamine của Hà Nội milk  cùng 4 tấn nguyên liệu sữa không rõ nguồn gốc và sản phẩm kém chất lượng dù không có melamine cũng phải được tiêu huỷ. 
Bên cạnh đó, 104,4 tấn sữa và sản phẩm sữa không có melamine, đã làm thủ tục thông quan nhưng chưa công bố chất lượng. Bộ Y tế yêu cầu các doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng và giải toả.
Được biết, trừ 18 tấn sữa Yili đã được tiêu hủy tại TP.HCM vào ngày 22/10, tất cả các sản phẩm còn lại sẽ phải chờ Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành quy trình kỹ thuật tiêu hủy. Theo yêu cầu được đưa ra, chậm nhất đến ngày 5/11, quy trình kỹ thuật tiêu hủy sẽ có. Quá trình tiêu hủy thực hiện trong vòng 3 tuần sau đó.
Về vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi, tiêu hủy, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết đang cân nhắc và xin ý kiến Chính phủ về 3 nguồn kinh phí hỗ trợ là hỗ trợ cho các doanh nghiệp; kinh phí cho việc tiêu hủy và kinh phí cho lực lượng làm nhiệm vụ tiêu hủy.  
 
Việt Nam chưa có quy định về ngưỡng melamine
Toàn bộ sữa nhiễm melamine đã có số phận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến thắc mắc việc vậy ngưỡng cho phép melamine là bao nhiêu thì an toàn. Bởi hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm khác không chỉ sữa cũng bị phát hiện nhiễm melamine.
Về việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, từ trước đến nay Việt Nam chưa có quy định về ngưỡng cho phép của melamine trong thực phẩm. Việt Nam cũng chưa bao giờ công nhận melamine là một chất trong thực phẩm. Melamine là hoá chất dùng trong công nghiệp, thường được sử dụng trong sản xuất phân bón, chất dẻo, bọt xốp, keo dán...
Hiện nay, tại Mỹ, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này ước tính về độ dung nạp an toàn của melamine là 0,63mg/kg thể trọng/ngày. Nhưng đây chỉ là kết quả dựa trên nghiên cứu ở chuột nhắt, chuột cống, chó... chứ chưa phải trên người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chưa có nghiên cứu nào về độ an toàn của melamine được tiến hành trên người. Nếu sữa nhiễm melamine thì đối với trẻ càng nhỏ, nguy cơ nhiễm độc và mức độ nguy hiểm sẽ càng cao và dễ gây tử vong.
Bộ Y tế không loại trừ khả năng nếu ban hành một giới hạn cho phép melamine trong thực phẩm sẽ dẫn đến việc hợp pháp hóa cho những hành vi không hợp pháp của một số doanh nghiệp làm ăn không chân chính, sẵn sàng vì lợi nhuận mà cho thêm vào các sản phẩm sữa một tỷ lệ nhất định melamine dưới ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, một nguy cơ khác có thể xảy ra khi Bộ Y tế ban hành giới hạn an toàn cho phép của melamine trong sữa ở các nước láng giềng có đường biên giới chung với Việt Nam sẽ đưa vào thị trường Việt Nam các sản phẩm sữa được cho melamine vào một cách có chủ ý.

 
 

Nguồn: Vinanet