Mỗi năm nông dân Bình Thuận thu hoạch hai vụ thanh long: chính vụ và trái vụ. Theo một nông dân trồng thanh long ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam - vào mùa chính vụ, năng suất đạt 30 tấn/ha. Giá trung bình thanh long chính vụ 3.000 đồng/kg. Mùa trái vụ, giá thanh long trung bình ở mức 6.000 đồng/kg, với năng suất mùa này 20 tấn/ha. Như vậy, người trồng thanh long thu tiền bán trái là 210 triệu đồng/ha/năm.

 Trừ đi các khoản chi phí như phí lao động khoảng 35 triệu đồng, điện 30 triệu, phân bón 40 triệu, thuốc 2 triệu, chi phí cho việc phục hồi đất là 8 triệu đồng, thuế và các chi phí khác 2 triệu đồng. Tổng chi phí trồng thanh long ở mức 117 triệu đồng/năm. Vị chi, sau khi trừ chi phí, nông dân trồng thanh long vẫn dư được 93 triệu đồng/ha/năm.

Theo hiệp hội thanh long Bình Thuận, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 40 cơ sở thu mua thanh long. Đối với tiêu thụ nội địa, những cơ sở thu mua lớn liên lạc với thương lái để báo giá theo thời điểm. Thương lái mua và bán lại cho các cơ sở thu mua thanh long với giá cao hơn từ 10 – 15% so với giá mua gốc từ nông dân. Cũng với quy trình như vậy, thanh long xuất khẩu được các cơ sở thu mua với giá cao hơn giá nội địa từ 20 – 30%, nhưng tiêu chuẩn sản phẩm khắt khe hơn.

Theo một thương lái, chuyên thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam cho hay, giá loại thanh long tốt nhất mà các thương lái mua tại vườn để bán ra Hà Nội khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg. Mỗi trái thanh long phải đạt tiêu chuẩn 500g/trái, quả tươi đỏ còn đủ gai. Giá thanh long vào Sài Gòn loại tốt cũng ở mức 3.000 – 4.000 đồng/kg, với trọng lượng nhỏ hơn, khoảng 300g. Nếu mua cả vườn thanh long, đàm phán được với chủ vườn bán với giá 2.500 đồng/kg thanh long, trừ chi phí, Tám lời khoảng 400 đồng/kg thanh long.

Hiện 40% sản lượng thanh long của Bình Thuận được tiêu thụ ở thị trường nội địa, 60% còn lại xuất khẩu. Theo giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận, hiện hơn 90% sản lượng thanh long Bình Thuận xuất qua các quốc gia châu Á, còn lại là các thị trường khác như EU, Nhật và một số quốc gia khác với thị phần rất thấp.

Theo quan sát , suốt một chặng quốc lộ 1, dài khoảng gần 10km, ở huyện Hàm Thuận Nam, hai bên đường là những dãy dài xe container lạnh đang chờ “ăn” thanh long. Gần như 100% điểm đến của những chuyến xe này là cửa khẩu Tân Thanh. Từ bao nylon bọc trái thanh long, đến những thùng giấy xếp trái đều được in bằng tiếng Trung Quốc. Dấu hiệu duy nhất còn lại để biết trái cây có xuất xứ Việt Nam là dòng chữ “Phan Thiet Dragon Fruit”. Quản lý thu mua của công ty Liên Phát cho biết, các đối tác Trung Quốc đưa qua những bao bì này và buộc cơ sở phải đóng gói, họ mới chịu mua. Hiện công ty mua thanh long với giá 4.000 đồng/kg, do đang vào cuối vụ.

Năm tháng đầu năm, Bình Thuận đã xuất 10.243 tấn thanh long vào Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc, Thái Lan. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 triệu USD. Giá xuất thanh long vào Đài Loan là 676 USD/tấn; Trung Quốc 413 USD/tấn. Đây là những thị trường xuất khẩu chính của trái thanh long. Đa số các cơ sở xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận đều xuất qua trung gian, nên giá không cao. Vì vậy, họ cũng không thể mua thanh long từ nông dân với giá cao hơn. Hiện tỉnh Bình Thuận có khoảng 30 doanh nghiệp xuất thanh long nhưng chỉ vài doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu trực tiếp.

Đối với thị trường châu Âu, trong sáu tháng đầu năm 2008, hợp tác xã Hàm Minh chỉ xuất trực tiếp được 10 tấn thanh long theo tiêu chuẩn Eurepgap sang thị trường Đức với giá gần 2 USD/kg thanh long. Số thanh long còn lại của 11 xã viên là 250 tấn, hợp tác xã buộc phải xuất qua trung gian là những công ty xuất khẩu rau quả của Việt Nam với giá chỉ ở mức 0,5 USD/kg, thấp hơn 1,5 USD so với xuất trực tiếp. Hợp tác xã cũng không mua hết lượng thanh long “sạch” mà các xã viên trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, mặc dù, những nhà nông phải đầu tư thêm 30 triệu đồng/ha cho thanh long “sạch”.

Theo Phó chủ tịch hiệp hội thanh long Bình Thuận, Cộng đồng người Việt và người Hoa, chưa kể những cộng đồng gốc Á khác ở Mỹ, nếu họ chấp nhận thanh long Bình Thuận thì sẽ là một cơ hội lớn cho Việt Nam. Xa hơn nữa, nếu hệ thống Wal - Mart phân phối thanh long Bình Thuận, loại trái cây này có thể đi khắp thế giới. Mỗi năm Bình Thuận chỉ xuất khẩu được hơn 20 triệu USD thanh long, trong khi kim ngạch nhập khẩu trái cây của Mỹ trung bình mỗi năm hơn 6 tỉ USD, nên Mỹ là thị trường đầy tiềm năng.

Cơ quan kiểm dịch thực vật Mỹ đã chính thức thông báo hai đơn vị có chứng chỉ Eurepgap sẽ được xem xét cho phép xuất khẩu trực tiếp thanh long vào thị trường Mỹ. Ngoài hợp tác xã Hàm Minh, công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu cũng là đơn vị được chọn trong đợt này. Chứng chỉ Eurepgap là một lợi thế để nâng cao giá trị xuất khẩu của trái thanh long. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương, trong thời gian tới yêu cầu và hỗ trợ cho nông dân trồng thanh long trên toàn tỉnh Bình Thuận thực hành tiêu chuẩn Vietgap - quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi (Vietnamese Good Agricultural Practices). Quy trình này áp dụng để sản xuất rau, quả tươi an toàn nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Dựa trên việc thực hành tốt những tiêu chuẩn này, chúng tôi sẽ hướng nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn Eurepgap.

Chúng tôi sẽ tăng cường liên lạc và vận động bà con Việt kiều xúc tiến xuất khẩu thanh long. Đã có những Việt Kiều ở Canada về mua thanh long của Bình Thuận và xuất sang Mỹ.

Vừa qua tỉnh Bình Thuận đã có những chuyến đi xúc tiến thương mại ở Trung Quốc. Thông qua bộ Ngoại giao, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục có những chuyến xúc tiến cho trái thanh long ở thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, đặc biệt là thị trường Mỹ vào năm tới.

(SGTT)

Nguồn: Vinanet