Ngoài việc liên tục tăng giá, nhiều hãng sữa còn lách luật để trốn thuế và lừa dối khách hàng. Nhiều nhãn sữa đã đổi tên sản phẩm từ sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi thành “sản phẩm dinh dưỡng”, “sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt", "thức ăn công thức dinh dưỡng", "thực phẩm bổ sung"…

Năm nào cũng vậy, cứ sau tết là các hãng sữa đua nhau tăng giá, năm nay thậm chí mức tăng còn chóng mặt và đồng loạt hơn với mức tăng từ 10-20%.

Diễn biến giá sữa từ 2011-2013

* Từ 1-1-2011, Vinamilk tăng giá sữa bột các loại trung bình 12%. Đầu tháng 12-2011, một số hãng sữa ngoại như Abbott, Enfa… tăng giá 9-19%

* Ngày 23-1-2012, Vinamilk tăng giá sữa bột từ 5-7%.

Tháng 10-2012, Cty Friesland Campina Việt Nam điều chỉnh tăng giá 3,8-5% đối với một số mặt hàng sữa.

* Từ 14-1-2013, hãng sữa Mead Johnson điều chỉnh tăng giá 10% với tất cả các loại sữa. Trước đó, ngày 10-1, hãng sữa Dumex thông báo tăng giá sữa từ 8,5-9%.

* Cuối tháng 2-2013, Vinamilk tăng giá một số sản phẩm 7%. Từ ngày
1-3-2013, Cty Friesland Campina Việt Nam điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm sữa Friso và Dutch Lady từ 8-9%. Hãng sữa Abbott cũng tăng giá từ 2-9% các sản phẩm sữa. Từ 18-3, hãng sữa nội là Nutifood cũng tăng giá trung bình 10%.

Hai lần liên tiếp từ đầu năm đến nay, nhiều loại sữa bột đã được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán với lý do nguyên liệu đầu vào tăng giá, cũng như thay đổi mẫu mã bao bì. Cùng với đó, tên gọi các sản phẩm sữa nhập khẩu của các doanh nghiệp cũng được đổi thành sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung...

Điển hình nhất là, trên bao bì hộp Anfalac A+ cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi đều ghi là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, sản phẩm Lactogen Gold 2 ghi là thức ăn công thức dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi. Đối với sản phẩm Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi ghi là thực phẩm bổ sung.

Hãng sữa Dumex cũng đổi tên dưới dạng sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng. Điều đáng nói, các sản phẩm này dù mang tên gọi mới, nhưng các thành phần cơ bản bên trong không thay đổi. Các doanh nghiệp cho rằng, việc đổi tên gọi nhằm phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y tế và đã được Bộ Y tế cho phép.

Việc đổi tên gọi sản phẩm đối với sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi được các doanh nghiệp thực hiện đúng vào thời điểm Pháp lệnh Giá hết hiệu lực trong khi nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Quản lý giá chưa được ban hành. Điều này cũng đồng nghĩa: Doanh nghiệp không phải thực hiện đăng ký giá với cơ quan quản lý và có thể điều chỉnh giá bán bất cứ khi nào nếu muốn.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trung bình mỗi năm sẽ có 2-3 đợt tăng giá sữa. Riêng giai đoạn 2007-2010, giá sữa có tới 16 lần tăng giá. Từ đầu năm đến nay cũng có tới 2 lần tăng giá sữa. Giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng là 5-10%, thậm chí có loại tăng 13-14%.

Có muôn vàn lý do được các hãng sữa đưa ra để lý giải cho việc tăng giá, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, tăng tỉ lệ dưỡng chất, thay đổi mẫu mã… Tuy nhiên theo Cục quản lý giá thì trong những tháng vừa qua giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng, vẫn giữ ở mức 90.000 đồng/kg sữa nguyên liệu nguyên kem nhập khẩu và trên 80.000 đồng/kg sữa tách béo.

Theo Luật Giá thì từ ngày 1-1-2013, các hãng sữa mỗi khi điều chỉnh giá sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi đều phải kê khai đăng ký. Nếu doanh nghiệp đưa ra được bản tính toán giá thành hàng hóa, dịch vụ (đối với hàng sản xuất trong nước), giá vốn nhập khẩu (nếu là hàng hóa nhập khẩu) hợp lý thì Bộ Tài chính mới chấp thuận với phương án điều chỉnh giá do doanh nghiệp đăng ký.

Để lách quy định mới của Luật Giá nhiều doanh nghiệp đã đổi tên sản phẩm từ sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi thành “sản phẩm dinh dưỡng”, “sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt", "thức ăn công thức dinh dưỡng", ), "thực phẩm bổ sung". Như vậy doanh nghiệp sẽ không phải đưa ra bản giải trình và chờ sự chấp thuận từ Bộ Tài Chính mà có thể tăng giá sữa như đối với các mặt hàng thông thường.

Theo thống kê, trên thị trường Việt Nam đang có gần 500 dòng sản phẩm sữa. Tuy nhiên, lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, và chủ yếu phục vụ cho sản xuất sữa nước. Khoảng 70% còn lại là nhập khẩu, trong đó 50% là sữa nguyên liệu và 20% là sữa thành phẩm.

Thị trường sữa ở Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào hàng nhập khẩu. Hai tháng đầu năm 2013 kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm là 158 triệu USD, giảm 7,79% so với cùng kỳ năm trước, tính riêng tháng 2/2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 63,1 triệu USD, giảm 33,49% so với tháng đầu năm. Kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm giảm ở các thị trường nhập khẩu chính như Niudilan, giảm 42,95%, tương đương với 14,5 triệu USD; Hoa kỳ giảm 28,98%, với 29,8 triệu USD….

Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ, tình từ ngày 1/3 đến ngày 15/3 Việt Nam đã nhập khẩu 40,4 triệu USD sữa và sản phẩm, lũy kế từ đầu năm cho đến 15/3, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lên 198,7 triệu USD.

Trong khi đó, mặc dù được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, chất lượng sản phẩm không thua kém sữa ngoại, lại có lợi thế về nhân công, vận chuyển và nhiều yếu tố khác nên giá thành hợp lý hơn, sữa lại tươi, mới hơn sản phẩm nhập khẩu, nhưng sữa nội vẫn đang “lép vế sữa ngoại nhập”.

Thống kê thị trường nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa tháng 2, 2 tháng 2013

ĐVT: USD
 
KNNK T2/2013
KNNK 2T/2013
KNNK T1/2013
KNNK 2T/2012
% +/- KN so T1/2013
% +/- KN so cùng kỳ
Tổng KNNK
63.133.926
158.053.809
94.919.883
171.399.400
-33,49
-7,79
Niudilân
14.539.170
40.080.932
25.485.151
38.096.872
-42,95
5,21
Hoa Kỳ
12.384.660
29.824.044
17.439.384
18.957.368
-28,98
57,32
Thái Lan
8.392.276
13.693.294
5.273.131
9.853.307
59,15
38,97
Pháp
3.967.703
10.534.984
6.564.266
7.189.991
-39,56
46,52
Malaisia
3.810.651
7.567.912
3.757.261
7.582.590
1,42
-0,19
Hà Lan
2.442.305
6.115.603
3.187.604
21.112.916
-23,38
-71,03
Đan Mạch
2.100.749
8.398.307
6.164.787
7.527.075
-65,92
11,57
Oxtrâylia
1.744.608
4.752.664
3.008.056
2.465.527
-42,00
92,76
Đức
1.631.764
6.647.398
4.911.421
15.835.602
-66,78
-58,02
Ba Lan
793.381
1.942.882
1.149.502
3.527.864
-30,98
-44,93
Philippin
751.679
933.516
115.056
652.114
553,32
43,15
Tây ban Nha
690.214
1.339.948
649.735
2.268.115
6,23
-40,92
Hàn Quốc
112.449
1.933.385
1.820.937
1.309.160
-93,82
47,68
Trung Quốc
 
 
 
 
*
*

(Nguồn số liệu: TCHQ)

Người tiêu dùng cần biết:

Theo thống kê mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên thị trường sữa nước Việt Nam mới có khoảng 30% sản phẩm là sữa tươi nguyên chất 100%, 70% còn lại là sữa tươi hoàn nguyên (sữa nước được chế biến từ sữa bột nhập khẩu). Vì vậy, nếu muốn mua sữa tươi nguyên chất, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ mọi thông tin liên quan đến nhà sản xuất sữa cũng như sản phẩm sữa.

Hiện một số doanh nghiệp sữa Việt Nam, như Vinamilk, sữa Mộc Châu, Ba Vì, TH True Milk… đã sản xuất dòng sản phẩm 100% sữa tươi (sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng) và bán ra thị trường.

Đây là những thương hiệu lớn, có uy tín đều tuân thủ cách ghi nhãn mác để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, bao bì sản phẩm sữa tươi của Vinamilk đều được ghi rõ là sữa 100% sữa tươi, kèm theo các thông tin về hàm lượng khoáng chất, chất béo, đường…

Ngoài Vinamilk, TH True Milk cũng đi tiên phong trong việc cung cấp thông tin cụ thể trên bao bì sản phẩm. Cụ thể, ở mục xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm, TH True Milk ghi rõ: “Sử dụng hoàn toàn sữa tươi sạch nguyên chất của trang trại TH, hoàn toàn không sử dụng hương liệu. Được làm từ 100% sữa bò tươi, đạt tiêu chuẩn về hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ISO 22000:2005 do Tổ chức quốc tế Bureau-Veritas cấp…”.

Khác với sữa tươi tiệt trùng được xử lý ở nhiệt độ cao, sữa tươi thanh trùng sử dụng nguyên liệu hoàn toàn là sữa tươi vắt từ bò sữa, được xử lý ở nhiệt độ thấp, không bổ sung thêm bất kỳ thành phần nào khác, nên giữ được hương vị “thật” nhất của sữa tươi nguyên chất và giữ được hầu hết các vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, do sữa thanh trùng có hàm lượng đạm, béo và đường lactose cao, nên hạn sử dụng lâu nahats là 10 ngày, kể từ khi sản xuất.

 
 

Nguồn: Vinanet